Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam với mức doanh thu đóng góp đạt 3% cho GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Thực tế ở nước ta đã tồn tại các ngành nghệ thuật nhưng lại chưa có các ngành công nghiệp văn hóa đúng nghĩa của nó. Các ngành công nghiệp văn hóa bao gồm những lĩnh vực sử dụng tài năng sáng tạo, vốn văn hóa kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có giá trị cao.
Tại cuộc làm việc của Đoàn giám sát Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM với Sở VH-TT TPHCM về chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đề nghị cần sớm xây dựng đề án hình thành Trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa.
Trước mắt, theo Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan, cần khai thác, sử dụng cơ sở vật chất hiện hữu vào việc đầu tư, mở rộng và đa dạng hóa hình thức quản lý, khai thác hiệu quả các loại hình văn hóa, giải trí, thể thao phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân. Sau đó đến hình thành, phát triển các trung tâm công nghiệp văn hóa trên nền tảng cơ sở vật chất theo đặc thù cư dân trong khu vực và nhu cầu thực tế của người dân muốn có một không gian để giao lưu, học tập, chia sẻ, hội thảo, thử nghiệm các vở diễn, kịch bản, làm phim ảnh.
Ở trung tâm công nghiệp văn hóa đó sẽ có những phương thức hoạt động đa dạng, thích ứng cho từng không gian của từng bộ phận, trang trí, đầu tư phù hợp với các loại hình tổ chức hoạt động trao đổi, hội thảo, hướng dẫn nghiệp vụ, sản xuất chương trình phim ảnh, văn hóa, nghệ thuật… Có đầu tư, quản lý, khai thác đúng vào các nền tảng này sẽ mang lại hiệu quả cao trong một thời gian ngắn nhất.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, các cơ quan chức năng cần quy hoạch từ 200 đến 300ha, đề xuất hình thành các khu công nghiệp văn hóa tại huyện Củ Chi, bên cạnh phim trường Đài Truyền hình TPHCM và ở xã Bình Khánh (huyện Cần Giờ), gần khu du lịch nghỉ dưỡng hiện nay.
“Phải làm sớm ngay lúc này, chứ để lâu sẽ không còn quỹ đất cho phát triển các khu công nghiệp văn hóa. Mặt khác, nếu chậm phát triển ngành kinh tế giá trị cao này, thành phố sẽ mất đi cơ hội trở thành một trung tâm công nghiệp văn hóa lớn của cả nước trong tương lai”, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu