Kinh hoàng. Man rợ. Phi nhân tính. Vụ thảm sát tại TP Jos, thủ phủ bang Plateau, miền Trung Nigeria hôm 7-3 vừa qua khiến cả thế giới phải rùng mình. 500 thường dân theo Thiên Chúa giáo, trong đó có rất nhiều phụ nữ và trẻ em, đã bị những kẻ tấn công dùng rựa giết hại dã man. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên xảy ra chuyện này ở Jos. Vụ sát hại này nối tiếp và có thể được xem là đòn trả thù cho vụ tấn công nhằm vào người Hồi giáo hồi đầu năm nay làm 200 người thiệt mạng. Jos nằm ở vị trí được coi là “thắt lưng” của miền Trung Nigeria, là nơi phân chia ranh giới giữa cộng đồng người Hồi giáo ở phía Bắc và người Thiên Chúa giáo ở phía Nam.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng sắc tộc hay tôn giáo không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bạo lực kéo dài tại Nigeria. Chính nghèo đói, xung đột về kinh tế và chính trị mới làm loạn Nigeria. Điều này có thể thấy rất rõ khi mà quốc gia châu Phi này kiếm được hàng tỷ USD từ kinh doanh dầu mỏ hàng năm nhưng đa số người dân Nigeria sống dưới mức 1 USD/ngày. Tại bang Plateau, nguyên nhân dẫn đến các vụ chém giết nhau đẫm máu xuất phát từ việc tranh giành quyền kiểm soát các khu đất màu mỡ giữa những người chăn gia súc theo đạo Hồi ở phía Bắc và những nông dân ở phía Nam.
Giáo sư Andrew Kakabadse thuộc Trung tâm Quản lý phát triển quốc tế có trụ sở tại Anh, nhận định bất ổn tại Nigeria là sự kết hợp của việc tranh giành lợi ích về dầu mỏ, đấu đá cục bộ giữa các địa phương và xung đột về tôn giáo đã tồn tại từ lâu nay. Ông Kakabadse cho biết các công ty dầu mỏ ở Nigeria thường có chiêu bài kích động thù hằn sắc tộc để tiêu diệt các đối thủ cạnh tranh, chiếm đoạt công việc làm ăn của đối tác.
“Đời sống chính trị, xã hội tại Nigeria điên đảo không phải do phân chia tôn giáo. Nguồn gốc của vấn đề là ở nhiều thứ khác nhưng nó như một công thức vậy, cứ có xung đột là do mâu thuẫn giữa Thiên Chúa giáo và đạo Hồi”, Giáo sư Kakabadse nói.
Trong khi đời sống người dân đói khổ như vậy, hàng loạt những người quyền cao chức trọng vẫn được hưởng một cuộc sống xa hoa nhờ “ăn bẩn”. Ủy ban chống tội phạm kinh tế và tài chính của Nigeria ngày 4-3 vừa qua đã buộc tội cựu Thống đốc bang Nasarawa, ông Abdullahi Adamu tội biển thủ hơn 100 triệu USD.
Theo Tòa án tối cao liên bang, ông Adamu, 19 cựu quan chức nhà nước và nhà thầu khoán bị cáo buộc 149 tội danh tham nhũng. 36 thống đốc bang ở Nigeria được nắm giữ nhiều quyền lực tài chính và chính trị. Họ cũng được hưởng quy chế miễn truy tố hình sự trong khi tại nhiệm. Chính vì vậy, trong 3 năm qua, hầu hết các vụ kiện tham nhũng chống lại các cựu thống đốc bang và cựu bộ trưởng đều bị chìm xuồng…
Cảnh sát Nigeria đã bắt giữ hơn 90 người tình nghi tham gia vào vụ giết hại ngày 7-3 vừa qua trong khi Chính phủ Nigeria cam kết: “các thủ phạm phải đền tội”. Cộng đồng quốc tế đã lên án vụ thảm sát dã man này và kêu gọi Chính phủ Nigeria phải truy tố, xét xử nghiêm những kẻ thủ ác.
Nhưng dư luận đặt câu hỏi rằng, liệu việc xét xử dù đúng người, đúng tội có đủ để chấm dứt bất ổn tại Nigeria khi gốc rễ của vấn đề gây ra bất ổn xã hội không được giải quyết triệt để.
Đỗ Cao