Đánh giá mới nhất của UBND TPHCM về tình hình phát triển kinh tế của TP cho thấy, kinh tế TP đang phát triển dưới tiềm năng, chất lượng tăng trưởng còn thấp, tiến trình tái cấu trúc kinh tế diễn ra tương đối chậm. Trong đó, TP vẫn chưa đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KH-CN) cao để tạo năng suất, sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Điều này gây ra thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Hiểu nôm na, cạnh tranh đơn giản là việc tạo ra sản phẩm/dịch vụ có chất lượng, giá trị sử dụng cao, giá thành thấp và thỏa mãn nhu cầu khách hàng so với sản phẩm/dịch vụ cùng loại. Còn nói đến năng suất lao động, có thể được hiểu như là thước đo mức độ hiệu quả của hoạt động tạo ra sản phẩm/dịch vụ đầu ra. Có nhiều yếu tố tác động đến năng suất lao động, trong đó phải kể đến đầu tiên là kỹ năng nghề của người lao động, sau đó là công cụ sản xuất, máy móc trang thiết bị có công nghệ hiện đại cùng với quy trình sản xuất tiên tiến và bộ máy quản lý, điều hành hợp lý có trình độ cao. Nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động, chung quy lại đều phục vụ cho cùng một mục đích, đó là tạo ra sản phẩm/dịch vụ có chất lượng, giá trị sử dụng cao; giá thành thấp, được khách hàng ưa chuộng và thường xuyên sử dụng so với những sản phẩm/dịch vụ cùng loại.
Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh và năng suất lao động của đa số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế. Sản phẩm/dịch vụ làm ra thường có chất lượng thấp hoặc có chất lượng cao nhưng giá thành cao, giá trị sử dụng chưa nhiều, chưa đáp ứng nhu cầu của khách hàng so với sản phẩm/dịch vụ cùng loại có trên thị trường hoặc trong cùng khu vực.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Đứng ở góc độ doanh nghiệp, việc xây dựng sản phẩm/dịch vụ chủ lực thực sự gặp rất nhiều khó khăn, bởi vì chủ yếu lệ thuộc vào khách hàng và thị trường. Vì thế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp không có hoặc không được nâng cao. Sản phẩm/dịch vụ muốn có chất lượng cao thì phải có máy móc thiết bị, quy trình sản xuất phù hợp; công nhân có tay nghề và cán bộ quản lý có năng lực. Nhưng hiện nay, đa số doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên. Bên cạnh đó, còn phải kể đến việc thiếu hụt lao động được đào tạo kỹ năng nghề, thiếu cán bộ quản lý có năng lực quản lý chuyên nghiệp…
Thực tế này đặt ra cho doanh nghiệp phải tìm giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động. Bản thân doanh nghiệp cần phát huy nội lực trên cơ sở xác định rõ ưu thế cạnh tranh của mình là gì để tập trung duy trì và phát triển thế mạnh vốn có. Đồng thời, phải xác định được thị trường, xác định nhu cầu sản phẩm/dịch vụ đầu ra như thế nào, vòng đời sản phẩm/dịch vụ bao lâu để từ đó tạo ra những sản phẩm/dịch vụ chủ lực có chất lượng, giá trị sử dụng cao, giá thành thấp, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Quan trọng hơn, doanh nghiệp phải đầu tư đổi mới công nghệ, trang bị máy móc, thiết bị phù hợp theo từng giai đoạn phát triển sản phẩm/dịch vụ; tinh gọn quy trình sản xuất nhằm giảm chi phí bất hợp lý, góp phần nâng cao năng suất và giảm giá thành sản phẩm; quan tâm hơn nữa công tác đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động, cập nhật thông tin công nghệ cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật.
Dĩ nhiên, cũng cần phải kể đến “trợ lực” từ phía Nhà nước, cần có những chính sách hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vươn lên trở thành doanh nghiệp đầu đàn. Từ đó tạo ra sân chơi để dẫn dắt, lôi kéo các doanh nghiệp còn lại trong cùng ngành thành một chuỗi cung ứng - thay vì sản xuất đơn chiếc, chồng chéo lẫn nhau như hiện nay - và từng bước tạo liên kết, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
GIA KIM
(Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn)