Sức ép dồn về phía Bình Nhưỡng

Ngày 8-8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres nhất trí duy trì các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an (HĐBA) để buộc Triều Tiên có hành động cụ thể, nhằm đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhất trí duy trì trừng phạt Triều Tiên
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhất trí duy trì trừng phạt Triều Tiên

Tiếp tục xây dựng lòng tin 

Phát biểu họp báo sau cuộc gặp ở Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản, Tổng Thư ký LHQ Guterres bày tỏ hoàn toàn ủng hộ các cuộc đàm phán diễn ra giữa Mỹ và Triều Tiên nhằm hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. 

Cuộc gặp trên diễn ra trong bối cảnh tiến trình phi hạt nhân mà Mỹ và Triều Tiên đang được thúc đẩy kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 6 vừa qua giữa lãnh đạo hai nước. Tuy nhiên, phía Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng vẫn chưa đưa ra những bước đi cụ thể. Ngày 7-8, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đánh giá Triều Tiên đã không triển khai những bước đi cần thiết để phi hạt nhân hóa bất chấp một thỏa thuận đã đạt được giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6 vừa qua. Quan chức này khẳng định Mỹ đã thực hiện những cam kết trong tuyên bố chung được Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ký kết sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Singapore. Trước đó, một báo cáo của các chuyên gia LHQ vừa công bố còn cho biết Triều Tiên vẫn tiếp tục các hoạt động phát triển chương trình hạt nhân vi phạm lệnh cấm của LHQ.

Trong cuộc gặp cuối tháng 7 vừa qua, Mỹ và Hàn Quốc cũng đã nhất trí duy trì các biện pháp trừng phạt Triều Tiên cho tới khi Bình Nhưỡng thực hiện những bước đi “cụ thể, có thể kiểm chứng” hướng tới phi hạt nhân hóa. Hai bên cũng đã chia sẻ quan điểm về việc cần tiếp tục tìm cách xây dựng lòng tin với Triều Tiên, chừng nào Bình Nhưỡng duy trì đối thoại thiện chí.

Chưa thuận giữa hai miền

Quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đã khởi sắc kể từ sau cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo hai nước hồi tháng 4, trong khi đó, Washington và Bình Nhưỡng cũng đã tiến hành các phiên họp về việc giải trừ các vũ khí hạt nhân theo thỏa thuận của lãnh đạo hai nước đưa ra hồi tháng 6. Tuy nhiên, gần đây, Washington thông báo nước này đang gia tăng sức ép buộc Bình Nhưỡng thực hiện các bước đi cụ thể trong tiến trình phi hạt nhân hóa, đồng thời yêu cầu duy trì các lệnh trừng phạt đối với quốc gia Đông Bắc Á này. 

Về phần mình, Triều Tiên yêu cầu Mỹ trước hết đồng ý với kế hoạch chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên đã kéo dài 65 năm qua và kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với nước này.

Cùng ngày, Triều Tiên chỉ trích Hàn Quốc đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố Panmunjom và làm ảnh hưởng đến không khí hòa giải ở vùng biên giới giữa hai nước trong một động thái phản đối cuộc Đối thoại quốc phòng chung Hàn Quốc - Mỹ (KIDD) lần thứ 14 diễn ra tại thủ đô Seoul cuối tháng 7 vừa qua.  Báo Rodong Sinmun, tờ báo chính thức của đảng Lao động Triều Tiên, ngày 8-8, đã nhận định cuộc họp trên cũng như các biện pháp cải tổ quân đội của Hàn Quốc công bố tháng trước được cho là nhằm đối phó tốt hơn với những mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên, là hành động gây hấn quân sự, “đi ngược lại xu hướng đối thoại, hòa bình và cải thiện quan hệ liên Triều”. 

Cùng ngày, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết hiện chưa có cuộc tham vấn nào được tiến hành giữa Hàn Quốc và Triều Tiên cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều tiếp theo dự kiến tại Bình Nhưỡng vào mùa thu này mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4 vừa qua.

Tin cùng chuyên mục