Sức ép vô hình

Khi TPHCM công bố có thêm 2 quận huyện bỏ thi tuyển, chọn hình thức xét tuyển để tuyển sinh vào lớp 10, hiệu trưởng một số trường THPT nằm trong vùng xét tuyển lại đâm ra lo lắng: Chất lượng đầu vào không đồng đều gây khó khăn giảng dạy, địa phương sẽ mất đi trường mũi nhọn, phải chăng, việc bỏ thi tuyển thay bằng xét tuyển công khai theo địa bàn khiến nhiều trường e ngại sụt giảm thành tích cuối năm, mất đi đẳng cấp “tốp trên”?

Dường như họ quên rằng, việc phát triển trường mũi nhọn, trường chất lượng cao đã có đội ngũ trường chuyên, lớp chuyên đáp ứng. Chất lượng đầu vào không đồng đều, đơn giản giải quyết bằng cách các trường tự tổ chức thi xếp lớp để phân loại học sinh. Ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển, bậc học THPT không nặng về đánh giá năng lực học sinh bằng hình thức thi cử. Làm thế nào để giảm áp lực thi cử mà vẫn đảm bảo chất lượng, đó mới là bài toán mà các trường cần hướng tới.

Trái lại, với xu hướng hiện đại là giảm áp lực trước những kỳ thi, Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT của Bộ GD-ĐT lại quy định môn thi thứ 3 của kỳ tuyển sinh vào lớp 10 phải được giữ kín đến gần ngày thi mới công bố. Lý do các nhà quản lý đưa ra cho việc bí mật môn thi thứ 3 là để tránh học sinh học lệch. Thế nhưng, bản chất của kỳ tuyển sinh chỉ đánh giá bằng 3 môn thi liệu đã chuẩn và đánh giá đúng quá trình học tập của học sinh hay chỉ là kết quả tức thời?

Chính việc giữ bí mật, úp mở về môn thi thứ 3 càng khiến sức ép học hành, thi cử đè nặng đôi vai học sinh. Thực chất của môn thi “bí mật” lâu nay tại nhiều địa phương hầu như không có sự thay đổi nào. Nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Huế… trung thành với môn thi thứ 3 là ngoại ngữ nhưng vẫn giữ bí mật theo quy định, dù rằng không cần nói thì ai cũng biết ẩn số đó là gì. Một sự mặc định ngầm đủ để người trong giới hiểu nhưng nhưng khổ nỗi, người học và phụ huynh lại thấp thỏm lo âu.

Chuyện ngành giáo dục bí mật thông tin không phải là mới. Những ngày gần đây, thông tin tuyển sinh đầu cấp năm học 2011-2012 của TPHCM được công bố và trở thành sự kiện nóng để báo chí đua theo. Bởi một lẽ dễ hiểu, đó là thông tin cần thiết mà hàng triệu phụ huynh, học sinh đang nóng lòng dõi theo từng bước đi của các nhà quản lý.

Có lẽ các nhà quản lý giáo dục cũng ý thức đó là thông tin nóng nên dù kế hoạch đã được duyệt, họ vẫn muốn giữ bí mật để sự kiện công bố kế hoạch tuyển sinh thêm hấp dẫn, lôi cuốn… như kết quả đêm trao giải Oscar? Nhiều phóng viên nhận được câu trả lời “vẫn chưa duyệt” nên đành chạy đường vòng, chầu chực để có được thông tin!

Từ những quy định khách quan đến ý muốn chủ quan của các nhà quản lý luôn khiến những kỳ tuyển sinh vốn đã căng thẳng thêm phần sôi sục. Nhưng khổ nỗi, chỉ có người học là phải gánh chịu những thiệt thòi và áp lực từ những câu chuyện tuyển sinh dài vô tận.

Mỹ Hằng

Tin cùng chuyên mục