“Sức khỏe” của đồng USD tác động đến Mỹ Latinh

Ngày 26-7, đồng USD đã phần nào suy yếu trước thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 27-7. “Sức khỏe” đồng USD không chỉ ảnh hưởng đến giá dầu, giá vàng hay thị trường chứng khoán, mà còn tác động mạnh các nền kinh tế Mỹ Latinh. 
Giá hàng thiết yếu leo thang chưa có điểm dừng ở Argentina
Giá hàng thiết yếu leo thang chưa có điểm dừng ở Argentina

Hậu quả tất yếu

Trước đó, FED đã liên tục tăng lãi suất, lần gần đây nhất là ngày 16-6, đã nâng lãi suất thêm 1,5 điểm phần trăm, khiến các đồng tiền khác mất giá so với USD. Việc đồng USD mạnh lên bất thường trong những tuần gần đây đã khiến nhiều đồng nội tệ ở Mỹ Latinh mất giá, gây ra những hậu quả tất yếu đối với nền tài chính công và đời sống kinh tế của các nước trong khu vực. Nguyên nhân là nhiều sản phẩm trong giỏ hàng thiết yếu của các hộ gia đình, cũng như các tài nguyên quan trọng như nhiên liệu và nguyên liệu thô được nhập khẩu và thanh toán bằng USD.

Tại Argentina, đồng USD mạnh làm trầm trọng hơn tình trạng mất cân bằng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy quá trình suy yếu của đồng peso, hậu quả của tỉ lệ lạm phát lên tới 64%, thiếu hụt ngoại hối, nỗi lo đồng tiền mất giá, thâm hụt tài khóa. Ngày 25-7, Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB) cũng từ chối phê duyệt các gói tín dụng mới cho Argentina nếu quốc gia Nam Mỹ này không đáp ứng đầy đủ các cam kết cải thiện điều kiện kinh tế vĩ mô với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Chuông báo động cũng gióng lên ở Chile khi đồng USD tăng kỷ lục lên 1.051 peso vào ngày 14-7, buộc Ngân hàng Trung ương nước này phải đưa ra biện pháp can thiệp chưa từng có trong lịch sử là bơm 25 tỷ USD vào thị trường cho đến tháng 9-2022. Trong khi đó, ở Colombia từ đầu năm đến nay, đồng peso Colombia đã trượt giá 10,5% theo tỷ giá chính thức. Nhà kinh tế trưởng thuộc đơn vị nghiên cứu của ngân hàng BBVA Alejandro Reyes cho rằng tình hình hiện tại ở Chile và Colombia là do hai nước này phụ thuộc đáng kể vào nguyên liệu thô. Điều này khiến các đồng nội tệ trở nên vô cùng nhạy cảm trong thời điểm hiện tại.

Vốn chảy về các nền kinh tế vững chắc

Tại một nền kinh tế “dollar hóa” như Ecuador, đồng USD mạnh gây nhiều lo ngại. Mặc dù các mặt hàng nhập khẩu rẻ hơn, song doanh số bán hàng trong nước vốn phụ thuộc vào sức mua ở một quốc gia đang chìm trong khủng hoảng kinh tế. Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá khiến hàng hóa xuất khẩu của Ecuador khó cạnh tranh hơn ở các thị trường đích, nơi các đồng nội tệ đang mất giá.

Đồng USD mạnh không ảnh hưởng đến xuất khẩu của El Salvador, mà trên thực tế vẫn tiếp tục tăng bất chấp lạm phát. Tương tự, Panama - vốn sử dụng USD làm đồng tiền chính thức kể từ khi độc lập - cũng hưởng lợi khi đồng bạc xanh tăng giá, vì có nền kinh tế dịch vụ và chủ yếu nhập khẩu. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo một số ngành, chẳng hạn như các nhà xuất khẩu sang các nước khác ngoài Mỹ, có thể bị ảnh hưởng.

Theo các nhà phân tích tài chính, tăng trưởng không kiểm soát trên toàn cầu do quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch nhanh hơn dự kiến sẽ kéo theo hiện tượng lạm phát. Trước lãi suất tốt hơn và nguy cơ suy thoái, các dòng vốn quốc tế quan ngại rủi ro hơn và có xu hướng chảy về các nền kinh tế vững chắc hơn, dẫn đến đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi bị mất giá. Đồng USD mạnh lên cũng làm khó chính nước Mỹ. Năm ngoái, thâm hụt thương mại của nền kinh tế số một thế giới đã tăng 27% và xu hướng này có thể tiếp tục gia tăng nếu đồng bạc xanh vẫn mạnh so với EUR.

Tin cùng chuyên mục