“Sushi nhái” tràn ngập châu Âu

Ông Hiroyuki Kanda, đầu bếp trưởng hàng đầu tại Nhật Bản đã mở trường dạy làm sushi tại London Anh, nhằm ngăn chặn tình trạng phát triển tràn lan các nhà hàng làm “sushi nhái” ở các nước châu Âu.

Ông Hiroyuki Kanda, đầu bếp trưởng hàng đầu tại Nhật Bản đã mở trường dạy làm sushi tại London Anh, nhằm ngăn chặn tình trạng phát triển tràn lan các nhà hàng làm “sushi nhái” ở các nước châu Âu.

Ông Hiroyuki Kanda bức xúc: “Khi tôi bước vào những nhà hàng sushi ở London, lúc nào cũng ngửi thấy mùi cá. Một nhà hàng sushi thuần Nhật không bao giờ ngửi thấy mùi này vì nguyên liệu cá được sử dụng là những thứ tươi ngon nhất. Có rất nhiều nhà hàng Nhật Bản ở châu Âu và London cung cấp các món sushi rất tệ”.

Ông Kanda cho rằng, do quá nhiều người Nhật Bản sống ở London không được huấn luyện đầy đủ trong vai trò một đầu bếp kiểu Nhật, đã mở các cửa hàng làm sushi và đã dẫn tới việc cho ra đời hàng loạt các món “sushi nhái”. Trong những năm qua, sushi đã trở thành một món ăn phổ biến tại các nước châu Âu vì tính bổ dưỡng sức khỏe. Trước nhu cầu ngày càng cao, nhiều cửa hàng, nhà hàng sushi đã mọc lên như nấm tại châu Âu.

Đầu năm nay, trường học làm sushi sẽ chính thức mở cửa và những giảng viên tham gia giảng dạy sẽ là những đầu bếp nổi tiếng tại Nhật Bản. Số lượng học viên đăng ký tham gia các lớp học không chỉ là những người Nhật sống tại London mà còn có rất nhiều người ngoại quốc khác. Một khóa học khoảng 28.000 USD, sau khi được cấp giấy chứng nhận, các học viên sẽ có cơ hội thực tập và làm việc tại các nhà hàng sushi nổi tiếng ở Nhật Bản.

Theo tờ Telegraph, những đầu bếp của Nhật Bản đều cho rằng sushi ở các nước châu Âu phạm rất nhiều điều cấm kỵ trong việc chế biến. Chúng rất cứng và lạnh do người ta đã bỏ sushi vào tủ lạnh, điều lẽ ra không bao giờ được thực hiện. Gạo trong sushi luôn phải được giữ ấm và mềm nhưng các nhà hàng đã làm ngược lại. Ngoài ra họ cũng không làm sạch vảy cá và không chọn lựa cá một cách chuẩn xác, dẫn tới việc cá bốc mùi tanh trong các món ăn. Một lỗi hay mắc phải nữa là sự thiếu cân đối, hài hòa giữa cơm và các nguyên liệu dùng trong sushi, dẫn tới việc người dùng sẽ cần nhiều wasabi hoặc nước tương hơn, qua đó gây đổi vị sushi. Cuối cùng là cá quá mềm. Đầu bếp sushi giỏi là người phải biết khi nào cần thêm muối để cá đủ độ cứng và ngon hơn.

Lo ngại món ăn truyền thống này sẽ bị pha tạp, ngành công nghiệp sushi của Nhật Bản tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc vận động cấp giấy chứng nhận chất lượng cho các đầu bếp sushi nước ngoài vào tháng tới. Trước quyết định đó, có nhiều ý kiến cho rằng những chiến dịch chứng nhận tương tự như vậy thực ra chỉ là cách để áp đặt một quy trình chế biến sushi chuẩn. Bác bỏ ý kiến trên, Liên đoàn sushi Nhật Bản khẳng định chiến dịch này chỉ nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi chế biến sushi

PHƯƠNG NAM
(Theo Telegraph, Japan Times)

Tin cùng chuyên mục