Tại sao chủ nghĩa cực đoan vẫn "ám" Pakistan?

Tại sao chủ nghĩa cực đoan vẫn "ám" Pakistan?

Sáng 20-1, những kẻ khủng bố tấn công Đại học Bacha Khan ở Charsadda, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc Pakistan, giết chết ít nhất 20 người. Vụ này xảy ra không lâu sau 2 vụ tấn công vào những nơi đông người khác ở Pakistan, một văn phòng chính phủ và một khu chợ ngoài trời.

Cấp cứu nạn nhân trong cuộc tấn công khủng bố tại Đại học Bacha Khan ngày 20-1-2016. Ảnh: REUTERS TV

Những tháng gần đây, giới chức Pakistan đã công bố nhiều thành tích chống khủng bố. Họ nêu số chiến binh bị giết trong chiến dịch quân sự đang diễn ra tại khu vực bộ tộc Bắc Waziristan, hay nêu số vụ bạo lực khủng bố đã giảm đáng kể... Trong năm ngoái, số dân thường thiệt mạng do bạo lực khủng bố ở Pakistan đã giảm đến 50% so với năm 2014.

Vậy tại sao, với những chiến tích chống khủng bố trong năm qua, chủ nghĩa cực đoan vẫn chưa bị ngăn chặn tại Pakistan, mà thực tế đau lòng rõ ràng chính là vụ tấn công khủng bố Đại học Bacha Khan vào sáng 20-1-2016?

Michael Kugelman, chuyên gia phân tích về Nam Á tại Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson ở Washington cho biết trên CNN, vấn đề là Pakistan có thể giết chết những kẻ khủng bố trên chiến trường, nhưng lại không giết chết được ý thức hệ tạo năng lượng cho họ.

Thật vậy, thực tế là Pakistan đã thất bại trong việc chống những hệ tư tưởng cứng rắn đã ăn sâu trong xã hội Pakistan. Những hệ tư tưởng này đang nhấn mạnh các chủ đề như Hồi giáo đang bị bao vây, Ấn Độ và Mỹ phải chịu trách nhiệm những tai ương của Pakistan... Những tư tưởng đó được các thủ lĩnh tôn giáo lan truyền, được lặp đi lặp lại bởi những nhân vật cầm chịch các chương trình tin tức truyền hình phổ biến, được xuất bản trong các sách giáo khoa...

Những tư tưởng đó không chỉ kích động người nghèo mà cả người giàu. Saad Aziz, nghi can trong vụ giết một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng tại Karachi năm ngoái, xuất thân từ một gia đình khá giả và được học hành tại một trường đại học hàng đầu Pakistan.

Ngoài ra, những hệ tư tưởng cứng rắn này hết sức bí ẩn. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi sau vụ tấn công khủng bố Đại học Bacha Khan, một số nhân vật truyền thông nổi tiếng Pakistan và cả các cựu quan chức chính phủ nước này tuyên bố rằng Ấn Độ và một "âm mưu quốc tế" rộng lớn hơn chịu trách nhiệm về thảm kịch.

Cuộc chiến tranh chống những tư tưởng cực đoan là yêu cầu lớn trong mọi hoàn cảnh, thậm chí nhiều hơn nữa ở Pakistan, nơi cơ sở an ninh có một lịch sử lâu dài của những liên kết các nhóm phiến quân, như mạng lưới Haqqani, Taliban Afghanistan và Lashkar-e-Taiba. Đây là những nhóm không có những cuộc tấn công bên trong Pakistan, và chiến dịch quân sự của Pakistan ở Bắc Waziristan đã bỏ qua các nhóm này, được xem là những tài sản chiến lược có thể tung ra chống Ấn Độ và lợi ích của Ấn Độ ở Afghanistan. Các mục tiêu chiến dịch ở Bắc Waziristan chỉ là những nhóm nhắm mục tiêu bên trong Pakistan, như Tehreek-e-Taliban Pakistani (TTP) - thủ phạm tấn công khủng bố Đại học Bacha Khan.

Nhưng khi áp dụng chính sách chọn lọc với các nhóm phiến quân, Pakistan đang đùa với lửa. Các nhóm này đều có gốc tư tưởng giống nhau, và trong nhiều trường hợp, đặc biệt là những nhóm liên quan Taliban Pakistan và Afghanistan, các nhóm này thường phối hợp hoạt động.

Vì vậy, Pakistan cung cấp một môi trường đầy thuận lợi cho chủ nghĩa cực đoan. Khi còn chủ nghĩa cực đoan, khả năng cực đoan hóa là mạnh mẽ cùng các sản phẩm bạo lực của nó: quân sự và khủng bố. Điều đó có nghĩa là cho dù có bao nhiêu chiến binh bị giết trên chiến trường, nhiều tay súng hơn sẽ kế thừa nhanh chóng trong thực tế.

Trong một đất nước như Pakistan, luôn có một nguồn cung các phần tử khủng bố sẵn sàng tấn công, từ các phiến quân sắc tộc nhắm vào người Hồi giáo Shiite thiểu số và các lực lượng Taliban Pakistan chống chính phủ đến các tay súng cực đoan tự do lấy cảm hứng từ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Những kẻ tấn công khủng bố Đại học Bacha Khan ngày 20-1 đã có thể hành động bất chấp sự hiện diện của hàng chục nhân viên an ninh trong khuôn viên trường, bất chấp các cảnh báo trong những ngày trước đó về một cuộc tấn công trong khu vực, nhắc nhở phụ huynh giữ con em ở nhà. Rõ ràng, các lực lượng an ninh đã làm hết khả năng để ngăn chặn thiệt hại nhân mạng lớn. Nhưng ít nhất 20 người vẫn chết ở Đại học Bacha Khan.

Tất nhiên, cần thiết và nhanh chóng có các biện pháp an ninh nghiêm ngặt hơn để phòng chống các cuộc tấn công trong tương lai. Khi mà Pakistan chưa ngăn chặn được những phần tử cực đoan hoạt động trong nước, người dân sẽ còn phải tiếp tục gánh chịu những thảm kịch như cuộc tấn công khủng bố Đại học Bacha Khan.

THIỆN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục