Tầm cao Hồ Chí Minh

Tầm cao Hồ Chí Minh

Cách đây 115 năm, vào đúng ngày 19-5-1890, đất nước Việt Nam đã sinh ra một con người vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc.
Ra đời và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo thanh bạch, Người đã sớm chứng kiến những thất bại đau đớn của các bậc yêu nước tiền bối, cảnh dân tộc rên xiết lầm than dưới ách bọn thực dân xâm lược.

Với hành trang là lòng yêu nước, thương dân, khát vọng độc lập tự do và nhân quan chính trị nhạy bén, Người đã có tầm nhìn khác xa con đường đi của các bậc cách mạng đàn anh. Chính tầm nhìn ấy đã đưa Người tìm đến trung tâm của văn minh thế giới và cũng là sào huyệt của chủ nghĩa thực dân đang thống trị dân tộc mình.

Tầm cao Hồ Chí Minh ảnh 1

Bác Hồ chúc mừng bác Tôn Đức Thắng được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (7-1960).

Có mặt ở nhiều nước, tiếp xúc với nhiều lớp người, nhiều dân tộc khác nhau, nhận rõ sự thống khổ của những người vô sản, Người đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin như một tất yếu lịch sử. Cậu bé Nguyễn Sinh Cung, anh Ba đã trở thành nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc và “vụt lớn lên ngang tầm của một con người làm nên lịch sử”.

Tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh đã sớm vượt lên ngang tầm cao của thời đại mà mình đang sống. Người sớm hiểu ra rằng cách mạng giải phóng dân tộc phải đi theo con đường cách mạng vô sản và cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới.

Phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác vào điều kiện cụ thể của một nước thuộc địa, Hồ Chí Minh đã đi đến một luận điểm hoàn toàn mới: Cách mạng thuộc địa không phụ thuộc vào cuộc cách mạng ở chính quốc và có thể chủ động, tự lực đứng lên “mang sức ta mà giải phóng cho ta”. Những nước thuộc địa phải đặt lên trên hết và trước hết cách mạng giải phóng dân tộc để đi đến chủ nghĩa xã hội. Đây là phát hiện chân lý cách mạng của Hồ Chí Minh.

Trong tư tưởng của Người “chủ nghĩa dân tộc là động lực to lớn của đất nước”. Đương nhiên, dân tộc phải được xác định trên lập trường của giai cấp công nhân, chủ nghĩa yêu nước là chủ nghĩa quốc tế trong sáng – “chủ nghĩa dân tộc hướng tới chủ nghĩa cộng sản”. Đóng góp thiên tài này đã làm phong phú hơn hệ tư tưởng Mác-Lênin và cống hiến thêm những luận điểm quý báu cho phong trào cách mạng thế giới.

Dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng quang vinh đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mang lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc và bước đầu tiến hành có hiệu quả công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, mang lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

Chính ngọn cờ ấy đã động viên cao độ sức mạnh và động lực của dân tộc và giai cấp, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và cả loài người tiến bộ, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam cập bến vinh quang.

Cống hiến to lớn của người là từ chủ nghĩa yêu nước, từ truyền thống lịch sử-văn hóa dân tộc đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học. Từ đó thiết kế con đường, bước đi riêng của cách mạng Việt Nam để biến lý tưởng thuần túy là khát vọng, là ước mơ của hàng triệu người dân trở thành hiện thực trong cuộc sống dân tộc.

Từ dân tộc đến nhân loại, rồi lại từ nhân loại trở về với dân tộc, kết hợp dân tộc với thời đại – đó là tầm cao tư tưởng Hồ Chí Minh. Tầm cao đó đã cho phép Người thổi bùng lên khát vọng “nội sinh” tồn tại hàng ngàn đời nay trong đời sống dân tộc – khát vọng chủ nghĩa xã hội, hòa nhập nó vào dòng chảy thời đại.

Tầm cao đó cũng cho phép Đảng và nhân dân ta xây dựng một chủ nghĩa xã hội tự do và nhân văn nhất, kết hợp nhuần nhị những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-Lênin với truyền thống văn hóa Việt Nam – một chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa vĩ đại của nhân loại tiến bộ. 

SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

Tin cùng chuyên mục