Tấm lòng của Tuấn

Những ngày này, người trồng rau ở một số nơi thuộc huyện Hóc Môn (TPHCM) phát rầu vì tình hình dịch bệnh khiến rau không tiêu thụ kịp. Thấy vậy, Dương Thanh Tuấn (31 tuổi) quyết định thu mua, hỗ trợ tiêu thụ và tặng các khu vực phong tỏa. 

Giúp được gì thì giúp

“Tuấn cùng các cô chú cắt rau số lượng 2 tấn cho hôm nay. Một là số rau Tuấn tặng, hai là số rau nhiều anh chị giải cứu giúp nông dân. Shipper sẽ cố gắng di chuyển sớm nhất có thể”; “Tuấn có rau muốn tặng vài nơi nấu cơm từ thiện, mọi người chỉ giúp Tuấn thông tin”… là những dòng trạng thái Dương Thanh Tuấn viết trên Facebook cá nhân.

Một tuần nay, Tuấn cặm cụi giải cứu rau cho một số chủ vườn tại xã Xuân Thới Đông nơi mình ở và xã Thới Tam Thôn gần đó. Tuấn chia sẻ: “Thấy bà con than thở vì rau không bán được, chợ đã đóng cửa phòng dịch, rau khô héo, tôi nảy ra ý định mua rồi đem tặng bà con nghèo, chia sẻ lại cho những ai muốn giải cứu”. 

Tuấn ước tính đã thu mua 7-8 tấn rau. Mua vào cũng như chia sẻ lại không lấy lời với giá khoảng 5.000 đồng/kg, sau đó Tuấn sẽ nhờ người vận chuyển tới nơi cần, và duy trì việc tặng rau cho các khu phong tỏa. Tuấn cũng bố trí điểm tặng rau 0 đồng để người dân ghé lấy.

Tuấn kể: “Để kịp cung cấp rau, có những đêm tôi cùng các cô chú ở vườn cắt rau tới 2-3 giờ, hoặc bắt đầu từ 4-5 giờ sáng. Cắt xong là phân loại, chở đi giao cho sớm”. Dù giá mỗi ký rau lúc này chỉ vài ngàn đồng, nhưng đó cũng là số tiền giúp người trồng trang trải chi phí. Tuấn nói sẽ giải cứu rau cho người dân thêm một thời gian nữa.

Tấm lòng của Tuấn ảnh 1 Dương Thanh Tuấn thu mua rau giúp bà con nông dân ở huyện Hóc Môn, TPHCM

Không chỉ thu mua rau, Tuấn còn quan niệm “giúp được gì cho ai thì giúp”. Trước ngôi nhà cũ kỹ bán nước giải khát nhưng đã tạm ngưng để phòng dịch Covid-19, Tuấn đặt chiếc bàn. Trên đó thường xuyên có khẩu trang, kính chắn giọt bắn, kế bên là tấm bìa carton với dòng chữ “Tặng miễn phí cho người bán vé số và bán hàng rong, shipper”. Dòng chữ tùy ngày sẽ thay bằng “Khoai lang miễn phí”, “Tặng kính bảo hộ và khẩu trang”. Đặc biệt, Tuấn tự làm những việc này chứ không dựa vào tổ chức thiện nguyện nào. 

Hiểu cảnh khổ của người khác

Để duy trì hoạt động thiện nguyện, Tuấn lấy kinh phí từ việc bán online các mặt hàng như vật phẩm phòng chống dịch, thức ăn vặt. 

4 năm trước, Tuấn bén duyên làm việc thiện khi trao tặng người nghèo những hộp cơm thịt kho, cá kho tự nấu. Những lúc bận rộn không nấu được, Tuấn mua bánh mì, bánh bao rồi chạy xe đi phát cho người cơ nhỡ trên những con đường đêm.

Thời điểm xuất hiện dịch Covid-19 năm ngoái, Tuấn mua 10 hộp khẩu trang để dành đeo. Khi dịch bùng lên, Tuấn đem ra trước nhà phát hết cho người nghèo. Sau đó, Tuấn mua một thùng đứng tặng ở ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng Tám (quận 3). Rồi thêm nhiều thùng khẩu trang, kính chắn giọt bắn, kể cả việc “giải cứu” thanh long, khoai lang. “Dịch Covid-19 với tôi cũng là một thử thách, xem trong khó khăn mình có giúp người khác nữa không”, Tuấn nói. Và Tuấn đã tiếp tục.

Tuấn tâm sự, nhiều lần mệt nuốt muỗng cơm không nổi nhưng phải cố gắng vì nghĩ tới những điều cần làm, bởi anh đã trải qua nên hiểu nỗi khổ của người khác.

Tuấn kể: “Ba bệnh nặng, hồi nhỏ tôi sống với ông bà nội. Năm lớp 1, ngoài việc đi học tôi còn bán hột vịt lộn. Tôi dần quen với việc kiếm tiền, nghĩ rằng phải cố gắng làm sao thay đổi được hoàn cảnh, mai mốt lớn lên có tiền giúp đỡ người khác”. Rồi cha mất trong ngày khai giảng lớp 7, sự tảo tần của mẹ Tuấn với xe nước mía đã nuôi lớn 3 người con. Bảo lưu kết quả năm thứ 2 hệ cao đẳng Trường Đại học Tài chính - Marketing, Tuấn gặp người hướng dẫn mình đến với nghề trang điểm. Tuấn nói đã tạm ngưng đi trang điểm, không chỉ vì dịch bệnh mà còn vì nhận thấy việc bán hàng online sẽ tự do giờ giấc và tiện cho hoạt động thiện nguyện hơn.

“Tôi tự hào vì có mẹ giúp, mẹ hiểu công việc của mình. Có bữa nấu cơm đem phát, tôi quên chuẩn bị hộp đựng, muỗng đũa, mẹ lại xách xe đi mua, phụ tôi việc này việc kia. Những lúc phát cơm tới 11 giờ đêm, về vẫn thấy mẹ ngồi coi tivi đợi cửa”. “Vậy có khi nào nản lòng không?”. Tuấn trả lời: “Tôi không thấy nản vì xuất phát từ tâm mình, làm bấy lâu nay chứ không phải là đột xuất. Từ khi làm việc thiện, tôi còn gặp nhiều may mắn, được mọi người thương, ủng hộ”. 

Khi bộc bạch những điều này, Tuấn đang đón một xe rau vừa về tới. Giải cứu rau, Tuấn cũng “giải cứu” việc làm cho 2 người là mối đi giao hàng online của mình. Một trong 2 là anh Hà Hồng Hải (32 tuổi, ngụ quận 12). Anh Hải chia sẻ: “Mấy hôm nay tôi giao rau cho khu vực phong tỏa dưới TP Thủ Đức, cũng mệt nhưng có thêm tiền, lại thấy việc Tuấn làm ý nghĩa”.

Facebook của Dương Thanh Tuấn có hơn 20.000 người theo dõi. Năm ngoái, có người đăng tải video Tuấn đứng phát khẩu trang, sau đó nhiều người đã chia sẻ lại và theo dõi trang cá nhân khiến Tuấn rất bất ngờ. Thi thoảng, Tuấn nhận được chuyển khoản của người quen, lúc thì 200.000 đồng, lúc 1 triệu đồng với nội dung phụ Tuấn hỗ trợ người nghèo. Mấy hôm nay, một số tấm lòng hảo tâm cũng nhận tiêu thụ khi thì 1 tạ rau, khi 3-4 tạ. 

Tin cùng chuyên mục