Vượt qua đèo Khâu Phạ dài nhất Việt Nam (40km) trong cái lạnh tê tái 12°C, CLB bác sĩ Từ thiện Sài Gòn (www.tuthiensaigon.com) và các phóng viên Báo SGGP đã đến huyện Văn Chấn (Yên Bái). 10 y bác sĩ địa phương, với sự điều động của Ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái, đã có mặt cùng bắt tay vào công việc…
Lạnh đến tê người. Đoàn bác sĩ Từ thiện Sài Gòn phải mặc 2-3 áo đơn sau đó mới đến áo blu, rồi lại choàng thêm áo khoác… mới có thể ngồi vào bàn khám. Ngay từ sáng sớm, rất đông đồng bào Thái ở hai xã Phúc Sơn, Hạnh Sơn đã có mặt tại điểm khám (trưng dụng trạm y tế xã). Thạc sĩ - Bác sĩ Hoàng Đức Quế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái cũng có mặt. Ông tất bật chỉ đạo lực lượng y tế địa phương đo huyết áp, tiếp nhận bệnh rồi kiêm luôn phiên dịch hướng dẫn bà con đến các phòng khám. Hình ảnh một lãnh đạo tỉnh xuống tận cơ sở trực tiếp chăm lo bệnh nhân nghèo khiến bà con người Thái cảm động vô cùng.
Chị Lò Thị Sang, bệnh nhân, cười rúc rích: “Mình thấy hắn trên tivi hoài, không nghĩ hắn là bác sĩ đâu. Giờ hắn cùng bác sĩ miền Nam ra đây, chăm sóc bệnh tật cho mình, vui lắm”. Nhận toa thuốc cho 10 ngày uống miễn phí cùng với dung dịch vệ sinh, chị Sang hớn hở ra về.
Đến giữa buổi làm việc, hàng trăm bệnh nhân khác dắt díu nhau từ tận trong cánh đồng Mường Lò ra đến điểm khám. Rất dễ nhận ra phụ nữ Thái trắng với cổ áo hình chữ V khoét sâu, phụ nữ Thái đen với áo cổ tròn sát cổ. Những cô gái Thái dịu dàng e lệ khi gặp người lạ, giấu mặt sau khăn piêu… lại cởi mở hẳn khi tiếp xúc với các nữ bác sĩ. Thăm khám cho em Lò Thị Yến, bác sĩ Trần Thị Út Hậu (BV Chợ Rẫy) nhận định: “Nguồn nước mà bà con sử dụng bị ô nhiễm nhiều nên rất đông bệnh nhân bị đường ruột và các chứng bệnh về mắt. Bình thường chúng tôi ra toa thuốc chỉ 7 ngày, song vẫn phải cấp cho bà con liều dùng theo phác đồ điều trị nhiều tuần…”.
Trời trưa, mây mù bao phủ cánh đồng Mường Lò, bao gồm hai xã Hạnh Sơn, Phúc Sơn. Được xem là vựa lúa lớn thứ nhì Tây Bắc (sau Mường Thanh ở tỉnh Điện Biên), nhưng nông dân Mường Lò vẫn còn quá nghèo khổ. Xem qua báo cáo 6 tháng của xã Hạnh Sơn, chúng tôi ghi nhận ngân sách xã đã thu đạt 50% kế hoạch năm, tương ứng… 35,7 triệu đồng! Còn tại Phúc Sơn, con số tương tự có khá hơn, đạt… 72 triệu đồng!
Cũng chính vì nghèo khó (trên 37% hộ nghèo) mà nhân dân Mường Lò khó có điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế, nhất là y tế kỹ thuật cao và dược phẩm tốt. Ông Lò Văn Hùng, 78 tuổi, cả quyết: “Cả đời tao chỉ có lần này được tiếp xúc bác sĩ. Mà lại là bác sĩ miền Nam mới thích. Thấy bác sĩ là tao hết bệnh rồi”. Ông Hùng là một trong số hàng ngàn người Thái ở Mường Lò chưa một lần ra khỏi bản để về xuôi. Hỏi trước đây ông dùng thuốc gì để vượt qua bệnh sốt rét, ông Hùng bảo “Tao chỉ dùng lá thuốc trên rừng thôi mà!”.
Đây cũng là lần thứ... “n” các nhà báo của Báo SGGP có mặt tại Yên Bái. Nhớ lại những kỷ niệm trước, bác sĩ địa phương tăng cường cho đoàn tên Hoàng Anh Tuấn (dân tộc Tày) kể: “Mình nhớ nhất lần đi cùng nhà báo Ngọc Yến (Báo SGGP) vào tâm lũ ống, lũ bùn tại Văn Chấn. Khi ấy mùi tử khí xông lên nồng nặc, thế mà các anh chị nhà báo vẫn lội sình vào với dân, cho tiền, cho thuốc bà con và hứa hẹn sẽ đưa bác sĩ ra tận nơi. Bây giờ thì lời hứa đã được thực hiện. Các anh chị nhà báo đã phối hợp cùng CLB Du khảo TPHCM, CLB Bác sĩ Từ thiện Sài Gòn mang sự ấm áp của phương Nam ra, làm ấm lòng đồng bào Tây Bắc, đó chính là những thầy thuốc tình nguyện, những viên thuốc chất chứa nghĩa tình”.
Buổi chia tay Tây Bắc trong cái lạnh 12oC nhưng thật sự ấm áp và xúc động. Nhận gói chè Suối Giàng nổi tiếng thơm ngon từ tay lãnh đạo huyện Văn Chấn, bác sĩ Lê Văn Minh, Trưởng đoàn, nói: “Chúng tôi rất hy vọng sẽ có dịp trở lại Tây Bắc vào cuối năm. Mong muốn được góp sức của mình để khám bệnh cho đồng bào các dân tộc Tây Bắc, cũng chính là thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN, là đưa ý Đảng hòa vào lòng nhân dân”.
M.ANH - T.LỘC