(SGGPO). - Sáng nay, 18-11, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tiếp tục phần trả lời chất vấn trước Quốc hội. Liên quan đến nội dung chất vấn này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và các bộ trưởng Tài chính và Kế hoạch - Đầu tư cũng tham gia "chia lửa".
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Lã Anh
Tiếp tục trả lời câu hỏi của ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) về công nghiệp hỗ trợ (CNHT), Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận trách nhiệm về việc xây dựng cơ chế chính sách còn chậm. Để khắc phục, trước mắt đề nghị Chính phủ sớm xem xét thông qua nghị định về CNHT và Quốc hội sớm thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều các luật thuế đã được trình ra có nội dung ưu đãi CNHT.
"Chia lửa” cùng Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, giai đoạn tiếp theo, doanh nghiệp tư nhân sẽ là đối tượng then chốt trong phát triển CNHT và tạo chuỗi giá trị gia tăng. Doanh nghiệp tư nhân sẽ là lực lượng quyết định Việt Nam không chỉ đi nhập nguyên liệu, lắp ráp gia công; mà có thể sản xuất và chủ động về nguồn nguyên liệu. Đồng thời, bộ trưởng cho rằng, cần có các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp; tạo mọi điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn đơn giản, dễ dàng, chuyển giao công nghệ. Các tập đoàn lớn như Samsung, tập đoàn của Đức, Nhật Bản… sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam và nhận lại sản phẩm sau khi hoàn thành. Nhưng dù bộ đã tổ chức liên tục các hội nghị nhưng số doanh nghiệp tiếp cận được chưa nhiều. Đối với vấn đề sản xuất và thị trường,
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, cho rằng, cần phải có cơ chế làm sao để giá thành có thể cạnh tranh, "chứ không thể như hạt ngô phải nhập từ nước ngoài về vì giá thành sản xuất trong nước quá đắt đỏ".
t
Được đề nghị phát biểu liên quan đến việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho biết, 9 tháng đầu năm các ngành chức năng đã xử lý hơn 146.000 vụ vi phạm, tăng 19% so với cùng kỳ; xử phạt, thu nộp ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ... Thừa nhận tình hình còn nghiêm trọng, Phó Thủ tướng cũng cho biết, giải pháp ngăn ngừa, hạn chế tình trạng này là sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu trong việc bao che cho hoạt động buôn lậu, kinh doanh trái phép; đánh mạnh, đánh trúng các loại tội phạm buôn lậu; thúc đẩy sản xuất trong nước đáp ứng được nhu cầu thị trường...
Sắp tới, Ban chỉ đạo 389 (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn để ngăn chặn có hiệu quả hàng giả, hàng lậu. Đặc biệt từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ tấn công quyết liệt các loại tội phạm, trong đó có tội phạm buôn lậu. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương vào cuộc kịp thời và cơ quan điều tra khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm minh loại tội phạm này.
Kết luận về phần chất vấn của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, trước việc CNHT còn yếu kém, chưa thành công thì Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cần tiếp tục phối hợp để tham mưu cho Đảng, Chính phủ, Quốc hội trong phát triển CNHT nhằm cải thiện chất lượng sản xuất, xuất nhập khẩu, việc làm, hạ giá thành sản phẩm... Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn trong việc tạo cơ chế, điều kiện cho doanh nghiệp trong và ngoài nước ngay từ khi khởi nghiệp, đầu tư lĩnh vực CNHT để năm 2015 có chuyển biến tích cực.
Liên quan đến công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương tích cực hơn trong đấu tranh vì các hành vi này ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tiêu dùng, đời sống người dân... Và, cần phải rút giấy phép, dừng kinh doanh đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm này. Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu công tác đấu tranh quyết liệt hơn nữa để tạo sự chuyển biến tích cực trong năm 2015.
Xung quanh công tác phân phối, bán lẻ, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu cần có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan để tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển, không thua trên sân nhà khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với thế giới. Với các nội dung đã được ĐB hỏi và trả lời của bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu bộ trưởng đến "kỳ họp cuối năm 2015 báo cáo lại là đã thực hiện đến đâu các lời hứa".
NGỌC QUANG
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Giá sữa đã được kiểm soát Vừa qua Bộ Tài chính và các bộ ngành đã phối hợp thực hiện đúng nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước để hài hòa các lợi ích, chú trọng các mặt hàng thiết yếu như: điện, nước sạch, xăng dầu… Trong 11 tháng qua, giá xăng dầu trong nước đã được điều hành tăng giảm 25 lần, xu hướng chung là đã giảm so với đầu năm; đúng tín hiệu của thị trường. Về giá sữa, đã công bố giá tối đa của hàng chục mặt hàng sữa; công tác quản lý mặt hàng này tỏ ra có hiệu quả. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: Muốn phát triển công nghiệp phụ trợ phải tiếp sức cho DN tư nhân Các nước muốn thu hút FDI nhiều và phát triển công nghiệp thì tất yếu phải phát triển công nghiệp phụ trợ. Chúng tôi trăn trở rất nhiều, thực sự đây là lĩnh vực rất khó. Tôi quan niệm muốn phát triển công nghiệp phụ trợ phải dựa vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân, họ không chỉ tạo ra động lực lớn cho công nghiệp, cho đất nước mà còn tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu rất hiệu quả. Tôi rất vui khi Quốc hội chọn 2015 là Năm Doanh nghiệp, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất để mọi người có năng lực tham gia thành lập DN sản xuất kinh doanh, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn nhằm tạo ra sản phẩm có giá thành cạnh tranh. ANH THƯ lược ghi
Các tin, bài viết khác
- Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ: Hiệu quả chưa cao
- Tình nghĩa xóm làng
- Liên hoan Đội tuyên truyền văn hóa tuyến biên giới, biển đảo khu vực Nam bộ lần thứ IX
- Thực hiện “lời hứa” chưa đạt yêu cầu
- Phiếu tín nhiệm phản ánh đúng thực tiễn
- TP Hồ Chí Minh tuyên dương 40 thanh niên dạy tốt - học tốt
- Trao giải Hội thi chung khảo giảng viên lý luận chính trị giỏi năm 2014
- Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại Tân Trào
- Phải thực hiện lời hứa
- Tuần làm việc thứ 5, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII - Nóng với hoạt động chất vấn