Tăng cường giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài

Các Trung tâm Trọng tài thương mại băn khoăn rằng, số lượng trọng tài viên năm sau cao hơn năm trước, nhưng số vụ việc giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài khá khiêm tốn.

Ngày 30-1, Sở Tư pháp TPHCM đã tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện “Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của trọng tài thương mại đến năm 2020 tại TPHCM” và bồi dưỡng kiến thức pháp luật trong hoạt động trọng tài thương mại (TTTM).

Theo Sở Tư pháp thành phố, tính đến thời điểm hiện tại TPHCM có 13 Trung tâm TTTM và 2 chi nhánh Trung tâm TTTM, với 486 trọng tài viên, 35 nhân viên đang làm việc ở các tổ chức TTTM. So với trước đó 1 năm, số lượng trọng tài viên năm 2017 đã tăng thêm 87 người và 7 nhân viên.

Các tổ chức TTTM trên địa bàn TP cho biết, năm 2017 vừa qua đã tiếp nhận 367 vụ việc, trong đó có 268 vụ đã có phán quyết trọng tài được thi hành, còn lại là các vụ đã hòa giải thành công hoặc đang được giải quyết. Chỉ 2 vụ việc có phán quyết trọng tài bị Tòa án hủy.

Thế nhưng, đại diện các Trung tâm TTTM cũng băn khoăn rằng, số lượng trọng tài viên năm sau cao hơn năm trước, nhưng số vụ việc giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài khá khiêm tốn.

Cụ thể, trong số 367 vụ việc được tiếp nhận năm 2017 của các tổ chức TTTM nêu trên thì có 205 vụ việc từ năm 2016 chuyển sang. Tính trung bình, một trọng tài viên chỉ tham gia khoảng 1 vụ việc trong năm, chứng tỏ số vụ việc tiếp nhận của các tổ chức TTTM rất thấp. Số lượng công việc này chưa phản ánh đúng khả năng, năng lực của đội ngũ trọng tài trên địa bàn TPHCM trong việc đáp ứng yêu cầu giải quyết tranh chấp theo phương thức trọng tài.

Tăng cường giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài ảnh 1 Bà Phan Thị Bình Thuận (áo cam) phát biểu tại hội nghị ngày 30-1
Luật sư Trịnh Minh Tân, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài thương mại Quốc tế Thái Bình Dương (PIAC), đã chỉ ra một số khó khăn, thách thức hiện nay chính là đội ngũ trọng tài viên tuy có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật nhưng ít có cơ hội cọ xát, thực hành nghề nghiệp, nhất là những vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài.
Bên cạnh đó, chưa có quy định pháp luật về sự hỗ trợ, phối hợp giữa hoạt động TTTM và các hoạt động tư pháp khác, Trung tâm TTTM thiếu kinh phí hoạt động…
Tăng cường giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài ảnh 2 Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới thì các nguy cơ phát sinh tranh chấp thương mại càng cao. Trong ảnh: Quản lý thi trường TPHCM tiêu hủy lô hàng giả, hàng kém chất lượng. 
Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM khẳng định sẽ ghi nhận các phản ánh, góp ý từ những Trung tâm TTTM để đề đạt lên cấp trên xem xét, hỗ trợ...
Mục tiêu đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về TTTM; giúp thay đổi thói quen giải quyết tranh chấp từ cơ quan Tòa án sang tổ chức TTTM; xây dựng đội ngũ trọng tài viên có đạo đức hành nghề, có trình độ chuyên môn cao; khuyến khích sử dụng các dịch vụ trọng tài trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới… 

Tin cùng chuyên mục