Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ

Ngày 21-1, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội thảo khoa học “Kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng (PCTN) - Thực trạng và giải pháp”. 

Phát biểu tại hội thảo, GS-TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh, để chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng thì cần xây dựng cơ chế giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn. Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng các chế định pháp lý. Quyền lực càng cao thì trách nhiệm càng nặng nề; hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền lực để vụ lợi phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc. “Chưa bao giờ công tác PCTN được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả như thời gian vừa qua; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội”, GS-TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh.

Các đồng chí chủ trì hội thảo. Ảnh: Ban Nội chính Trung ương
PGS-TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng, kiểm soát quyền lực là một vấn đề phức tạp, khó nhưng nhất thiết phải làm tốt, nếu không cuộc đấu tranh PCTN sẽ không có kết quả, bởi mọi hành vi tham nhũng đều xuất phát từ quyền lực, bao gồm cả quyền lực chính trị và kinh tế. Vì vậy, muốn kiểm soát quyền lực trong PCTN thì phải tập trung vào công tác cán bộ, bởi quyền lực gắn với con người cụ thể. Thực tế trên đòi hỏi phải tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, đặc biệt là việc sử dụng, bổ nhiệm cán bộ cần quy rõ trách nhiệm người đứng đầu trong cả hệ thống chính trị. Cùng với đó là xử lý nghiêm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức; không để người đứng đầu “đứng ngoài cuộc” khi cơ quan họ phụ trách có tham nhũng. 

Tin cùng chuyên mục