Tăng hiệu quả dự án giao thông

Với chủ trương tập trung nhiều nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chỉ trong vài năm trở lại đây, hàng trăm ngàn tỷ đồng đã được đầu tư cho các công trình giao thông. Tính đến thời điểm này chúng ta đã có khoảng 570.000km đường bộ, đang khai thác 26.600km đường thủy, hơn 3.000km đường sắt, 44 cảng biển và 22 cảng hàng không, sân bay. 

Hệ thống hạ tầng giao thông này tuy chưa đủ nhưng cũng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, thực tế nhiều công trình giao thông quan trọng bị xuống cấp, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải, nguy cơ mất an toàn giao thông cao đã đặt ra vấn đề phải quản lý, khai thác thế nào để các dự án, công trình đảm bảo hiệu quả đầu tư, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân. Xét về nguyên nhân, có những công trình xuống cấp ngay khi mới đưa vào khai thác do những sai sót trong quá trình thi công đã được các cơ quan chức năng chỉ ra và xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể liên quan. 

Điển hình là trường hợp sai phạm tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khiến một Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và nhiều cán bộ quản lý dự án vướng vòng lao lý. Lại có những công trình xuống cấp theo thời gian, do quá tải như cao tốc TPHCM - Trung Lương, đường cất hạ cánh sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất… Theo Bộ GTVT, công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông hiện được thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước. Trong khi đó, các quy định của pháp luật về ngân sách đang còn một số vướng mắc dẫn đến công tác bảo trì chưa kịp thời, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, việc chuyển giao một số doanh nghiệp lớn của ngành giao thông sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khiến công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực vẫn còn chồng chéo. Nhưng dù nguyên nhân là gì, điều người dân đang chờ đợi là các công trình giao thông quan trọng cần phải được đảm bảo thông suốt, an toàn. Đó là trách nhiệm của Bộ GTVT và các bộ ngành, địa phương liên quan.

Vậy làm thế nào để các công trình giao thông đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, phát huy hiệu quả đầu tư? Theo các chuyên gia, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực thi hành từ năm 2018 đã có nhiều đổi mới trong cơ chế quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng. Bên cạnh việc tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, các giải pháp nâng hiệu quả công tác quản lý, khai thác các công trình giao thông cần phải được thực hiện triệt để. Đặc biệt, quy định việc đấu thầu bảo trì tài sản cần thực hiện nghiêm, đảm bảo công khai, minh bạch và tăng hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cần tăng cường hiệu quả khai thác công trình bằng các hình thức như cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản. Đồng thời, có thể áp dụng quản lý và sử dụng hạ tầng giao thông theo vòng đời tài sản từ khi hình thành đưa vào sử dụng, khai thác đến khi xử lý thu hồi, điều chuyển, thanh lý tài sản đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả. 

Để làm tốt vấn đề này, trước mắt, Bộ GTVT và các bộ ngành, địa phương cần sắp xếp, tổ chức lại bộ máy quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông phù hợp, tinh gọn và hiệu quả. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được giao quản lý công trình cần đổi mới, nâng cao năng lực để thực hiện tốt cơ chế xã hội hóa trong sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông. Các cơ quan chức năng cũng cần thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, khai thác hạ tầng giao thông, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo hoạt động giao thông an toàn và hiệu quả. Trong đề án đổi mới công tác quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực giao thông đang được triển khai, Bộ GTVT cũng đã xác định, việc quản lý khai thác các công trình giao thông là khâu cuối cùng nhưng đặc biệt quan trọng để phát huy hiệu quả vốn đầu tư. Theo đó, Bộ GTVT đang xây dựng các quy định chặt chẽ hơn trong việc bàn giao, tiếp nhận dự án sau khi hoàn thành, với các thủ tục, trình tự, thẩm quyền tiếp nhận dự án theo quy định của pháp luật. Theo các chuyên gia, nếu triển khai tốt, các cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ xác định rõ ràng hơn về đơn vị quản lý sử dụng tài sản hình thành sau đầu tư ngay tại các quyết định đầu tư dự án để xác định trách nhiệm trong suốt quá trình khai thác dự án.

Tin cùng chuyên mục