Tăng tốc ở lục địa đen

Diễn ra từ ngày 28 đến 30-8, Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi lần thứ 7 (TICAD 7) diễn ra tại thành phố Yokohama, Nhật Bản, được kỳ vọng sẽ đưa Nhật Bản tiến gần hơn đến lục địa đen.

Theo kế hoạch, Chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp gói hỗ trợ phát triển mới và chọn hướng tiếp cận châu Phi thông qua những gói vay ưu đãi cùng chương trình cung cấp học bổng cho sinh viên châu Phi. 

Trong thời gian qua, Tokyo đã phối hợp cùng Ngân hàng phát triển châu Phi (AfDB) triển khai sáng kiến Tăng cường hỗ trợ khối doanh nghiệp tư tại châu Phi (EPSA), hỗ trợ tài chính cho hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ tại lục địa này. Giới quan sát cho rằng, Tokyo sẽ sử dụng hội nghị TICAD 7 để tái khẳng định Chính phủ Nhật tiếp cận vấn đề phát triển của châu Phi theo hướng phát triển bền vững hơn. 

Trong vài năm gần đây, Nhật Bản thường sử dụng vốn hỗ trợ và các chương trình phát triển của mình vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao và tránh dồn nước chủ nhà vào thế phải nợ nần quá nhiều như phương thức đầu tư của Trung Quốc, vốn đang bị nhiều chỉ trích, cũng như chú trọng đến sự minh bạch hơn trong các thỏa thuận cho vay.

Châu Phi nằm trong khu vực thu hút đầu tư mạnh mẽ nhất do sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đặc biệt là các loại quặng quý như cobalt và platinum cùng trữ lượng dầu thô và khí đốt khổng lồ. Châu lục này đang là địa bàn tranh giành ảnh hưởng của nhiều cường quốc, trong đó có Nhật Bản. Tuy nhiên, đầu tư của nước này vào châu Phi chỉ bằng 1/7 so với Mỹ, 1/6 so với Anh. Hiện Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất vào châu Phi với tổng số vốn ước tính lên tới hơn 200 tỷ USD. 

Nhật Bản đang có 440 công ty hoạt động tại châu Phi trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm chế tạo, thương mại, bán lẻ và xuất nhập khẩu. Hiện đầu tư Nhật Bản vẫn gặp khó khăn tại thị trường 1,2 tỷ dân này do vướng mắc ở cơ sở hạ tầng, hệ thống hành chính và luật pháp, thuế cao cũng như an ninh không đảm bảo.

Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2018, Nhật Bản đã đầu tư tổng cộng 35,6 tỷ USD vào lục địa đen, vượt qua chỉ tiêu 30 tỷ USD mà chính phủ nước này đặt ra tại TICAD 6 tổ chức tại thủ đô Nairobi của Kenya năm 2016. Con số trên bao gồm 10 tỷ USD vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) do chính phủ cung cấp và 25,6 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ các nhà đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản. Đây được xem là kết quả đáng khích lệ của Nhật Bản trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng sự tập trung vào thị trường châu Phi đầy tiềm năng với số dân dự kiến sẽ tăng từ 1,2 tỷ hiện tại lên 2,5 tỷ người vào năm 2050.

Trong tháng 3 vừa qua, nhằm mở rộng tiếp cận lục địa đen, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập một ủy ban thường trực chuyên trách xúc tiến đầu tư vào châu Phi và dự kiến ra mắt trong thời điểm diễn ra TICAD 7, với sự tham gia của các quan chức hàng đầu Nhật Bản và các nước châu Phi. Ủy ban hoạt động theo cơ chế phối hợp công - tư giữa chính phủ và các công ty Nhật Bản hiện đang hoạt động tại châu Phi. Ủy ban cũng có chức năng tham mưu cho Chính phủ Nhật Bản biện pháp tăng cường đầu tư vào châu lục này, bao gồm việc soạn thảo các hiệp định đầu tư song phương và đa phương cũng như những thỏa thuận về ưu đãi thuế đầu tư.

Tin cùng chuyên mục