Tránh tạo căng thẳng cho học sinh
Theo ông Đoàn Hữu Khánh, Hiệu trưởng Trường THCS Hai Bà Trưng (quận 3), bắt đầu từ tuần lễ thứ 2 sau Tết Nguyên đán, nhà trường đã tổ chức các lớp ôn tập trái buổi cho tất cả học sinh khối 9. Dự kiến thời gian ôn tập kéo dài 6 tuần và hoàn toàn không thu phí của học sinh. Đây là một trong những hoạt động tổ chức hàng năm của trường nhằm chuẩn bị cho học sinh nền tảng kiến thức tốt nhất.
Tương tự, tại Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết nhằm giúp học sinh làm quen định dạng đề thi theo hướng đổi mới, cụ thể là đề thi môn Toán có tích hợp kiến thức một số môn học khác như Vật lý, Hóa học, Địa lý, Sinh học, nhà trường đã cho học sinh làm quen dạng đề tích hợp trong suốt quá trình tổ chức dạy học và ôn tập.
“Với đặc thù là trường có tổ chức bán trú, chúng tôi đã bố trí một số tiết ôn tập trong thời khóa biểu của buổi 2 để giúp học sinh tổng hợp lại kiến thức, có thêm điều kiện cọ xát, làm quen với các định dạng đề thi”, ông Khoa bày tỏ.
Đồng quan điểm, bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (quận 1), thông tin, nhà trường đã kết hợp tổ chức dạy học và ôn tập kiến thức ngay từ đầu năm học, tránh tình trạng học ôn “chạy nước rút”, gây quá tải và căng thẳng cho học sinh. Theo đó, vào giờ học của buổi 2, học sinh sẽ được phân loại theo trình độ để tham gia các lớp ôn tập. Dự kiến, chương trình học chính khóa của khối 9 sẽ kết thúc vào nửa cuối tháng 4. Học sinh tiếp tục tham gia 4 tuần lễ ôn tập được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn đầu gồm 2 tuần lễ ôn kiến thức học kỳ 1 và 2 tuần lễ sau đó hệ thống kiến thức học kỳ 2, tập trung kiến thức 3 môn thi là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Riêng tại Trường THCS Lạc Hồng (quận 10), theo Hiệu trưởng Nguyễn Thành Phát, kết quả phân loại học sinh sau 2 kỳ kiểm tra giữa và cuối học kỳ 1 cho thấy toàn trường có hơn 30% học sinh dưới trung bình (5 điểm). Do đó, đơn vị sẽ tổ chức 3 lớp phụ đạo môn Toán, 2 lớp ôn tập môn Tiếng Anh và 2 lớp Ngữ văn để bồi dưỡng và bổ sung kiến thức cho học sinh. “Phương châm của chúng tôi là dạy học bằng cả quá trình, với phương pháp mưa dầm thấm đất chứ không dạy ồ ạt, tránh tạo tâm lý căng thẳng cho học sinh”, ông Phát nói thêm.
Định hướng phân luồng cho học sinh
Tại Trường THCS Phú Thọ (quận 11), ngay từ đầu tháng 3, nhà trường sẽ tổ chức các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh. Đại diện đơn vị cho biết sẽ mời các trường nghề và một số trường THPT dân lập, tư thục đến chia sẻ, nói chuyện với các bạn học sinh và phụ huynh học sinh khối 9, nhằm giúp các em và gia đình có cái nhìn rõ ràng hơn về những lựa chọn sau tốt nghiệp bậc THCS. Tương tự, tại một số trường THCS ở quận Tân Bình, học sinh sẽ được đăng ký thử nguyện vọng vào các trường THPT để thầy cô và ban giám hiệu góp ý, giúp các em đưa ra lựa chọn phù hợp.
Lý giải về tầm quan trọng của việc định hướng phân luồng, ông Nguyễn Thành Phát phân tích phụ huynh thường có tâm lý muốn con chọn trường THPT ở tốp đầu, tức trường có điểm chuẩn đầu vào ở mức cao để đảm bảo chắc chắn một suất vào đại học. Tuy nhiên, thực tế kinh nghiệm dạy học nhiều năm qua cho thấy, học sinh nên chọn trường học gần nơi cư trú để tiện cho việc đi lại, di chuyển, mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình cũng có điều kiện gắn bó hơn. Điều này cũng đã được Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nhắc nhở nhiều lần tại các cuộc họp về công tác tuyển sinh đầu năm học.
Theo đó, trong nhiều mùa tuyển sinh trước, đã xuất hiện nhiều trường hợp học sinh có nhà ở quận 1, quận 3 đăng ký nguyện vọng vào các trường THPT ở huyện Củ Chi, Hóc Môn, thậm chí Cần Giờ, chỉ vì để đảm bảo một suất học lớp 10 công lập. Tuy nhiên, sau khi trúng tuyển các em không thể đi học vì khoảng cách từ nhà đến trường quá xa, buộc phải làm hồ sơ xin chuyển trường, gây xáo trộn công tác tổ chức và ảnh hưởng quyền lợi của chính các em.
Vì vậy, để thực hiện hiệu quả công tác phân luồng, các trường THCS đã lồng ghép hoạt động định hướng nghề nghiệp trong nhiều hoạt động giáo dục như tiết học ngoài nhà trường tại các cơ sở sản xuất, trường nghề, mở rộng hình thức sinh hoạt các câu lạc bộ ngoại ngữ, năng khiếu… nhằm phát triển khả năng toàn diện của học sinh.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều trường cao đẳng nghề đã mở rộng liên kết với trường phổ thông, thực hiện nhiều chế độ ưu đãi như miễn, giảm học phí nghề, ưu tiên tuyển thẳng học sinh hòa nhập (khuyết tật về trí tuệ hoặc thể chất) nhưng có năng khiếu, đam mê với một ngành nghề nhất định để tạo cơ hội phát triển cho các em; tổ chức các buổi nói chuyện, chia sẻ giữa các cá nhân thành công trong một số lĩnh vực, ngành nghề nhất định với học sinh nhằm giúp các em có cái nhìn đúng đắn, toàn diện về bức tranh lao động trong xã hội, từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp.