
Kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm 2006 tăng 24,2% là một điểm sáng của nền kinh tế. Đây là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp và qua đó có thể khẳng định, nền sản xuất hàng hóa đang phát triển và nâng cao được khả năng cạnh tranh, tạo đà cho những bước đi vững chắc trong năm tới, khi Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
- 8 ngành xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD

Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Cát Lái, TPHCM.
Ảnh: THÀNH TÂM
Cho đến nay, kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng qua của ngành dệt may, một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực, đã đạt 4,969 tỷ USD, tăng khoảng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch dệt may đã đạt hơn 90% kế hoạch xuất khẩu của cả năm và có khả năng đạt kim ngạch 5,8-5,9 tỷ USD nếu khai thác tốt hạn ngạch dệt may còn lại vào thị trường Hoa Kỳ trong 2 tháng cuối năm.
Tương tự, trái với dự đoán khó khăn của ngành da giày khi Liên minh châu Âu (EC) điều tra và áp đặt thuế bán phá giá đối với mặt hàng giày mũ da vào thị trường này, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt.
Đây là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành da giày và EU cũng là thị trường chủ lực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước đã nhanh chóng chuyển hướng mặt hàng giày thể thao mũ da sang các thị trường khác, đặc biệt là thị trường châu Mỹ.
Tính ra, số lượng và kim ngạch xuất khẩu giày thể thao mũ da vào thị trường châu Mỹ trong những tháng qua đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Chính vì vậy, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày đến nay cũng đã đạt 2,971 tỷ USD, đạt trên 90% kế hoạch cả năm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến nay đã có 8 ngành xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Ngoài hai ngành nói trên, xuất khẩu dầu thô đạt 7,114 tỷ USD, thủy sản: 2,753 tỷ USD, sản phẩm gỗ: 1,531 tỷ USD, sản phẩm điện tử-vi tính: 1,414 tỷ USD, gạo: 1,21 tỷ USD, cao su: 1,09 tỷ USD.
Ngoài ra, còn có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 500 triệu USD như dây điện, hàng thủ công mỹ nghệ, than đá, cà phê. Trong đó, kim ngạch cà phê có khả năng đạt trên 1 tỷ USD trong năm nay (đến nay đã đạt 880 triệu USD) nhờ cà phê Việt Nam đang vào thời vụ thu hoạch và giá xuất khẩu cà phê thế giới đang ở mức cao.
Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng đã đạt 32,872 tỷ USD, tăng 24,2% (cùng kỳ năm ngoái tăng 21,9%), bằng 87,1% kế hoạch xuất khẩu cả năm. Trong đó có 2 mặt hàng đã đạt và vượt kế hoạch là than đá và chè.
Tương ứng với những con số này cho thấy, công nghiệp của cả nước trong 10 tháng qua cũng tăng khá ấn tượng, tạo khối lượng sản phẩm trị giá 411.627 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ và cũng là mức tăng cao so với mấy năm gần đây. Với tốc độ tăng trưởng này, chỉ tiêu còn lại trong hai tháng cuối năm là 5,48 tỷ USD không quá khó khăn để hoàn thành.
- Năng lực cạnh tranh đang được nâng cao

Dây chuyền sản xuất động cơ nổ xuất khẩu ở Công ty Máy nông nghiệp miền Nam.
Ảnh: THÀNH TÂM
Đánh giá những thành tích đã đạt được, ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công nghiệp nhận định, chỉ riêng 8 mặt hàng xuất khẩu lớn đã chiếm đến 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong những tháng đầu năm.
Đây lại là những mặt hàng công nghiệp và chế biến thực phẩm chủ yếu cho thấy trong sản xuất của các doanh nghiệp đã có những bước tiến đáng kể về chất lượng và giá trị gia tăng trong hàng hóa.
Theo ông Khu, thời gian qua, năng lực sản xuất của các ngành tuy được đầu tư mở rộng nhưng năng lực sản xuất mới tăng chưa nhiều, chủ yếu các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị nhằm tăng chất lượng, năng suất và giảm chi phí giá thành sản phẩm để tăng năng lực cạnh tranh.
Quá trình đầu tư này cũng nhằm giải quyết vấn đề môi trường, một trong những yếu tố bắt buộc khi sản phẩm hàng hóa Việt Nam muốn xuất vào các thị trường lớn và nhất là khi Việt Nam gia nhập WTO.
Do vậy, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn như giá vật tư nguyên liệu đầu vào chủ yếu của các ngành sản xuất tăng mạnh do phụ thuộc vào thị trường thế giới; đối mặt với các vụ kiện bán phá giá về da giày, bóng đèn huỳnh quang…, các doanh nghiệp cũng đã ngay lập tức có những biện pháp đối phó linh hoạt là điều đáng hoan nghênh.
Nhiều chuyên gia nhận định, ngoài những yếu tố tiết giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm nhiên liệu và điện năng, rõ ràng năng lực sản xuất và sản phẩm hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đã có giá trị nhất định, một số hàng hóa đã có thương hiệu nên được khách hàng ưa chuộng. Điều này cũng chứng tỏ chất lượng tăng trưởng trong sản xuất được gia tăng, tức là sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng cao.
Đánh giá này hoàn toàn có cơ sở khi phân tích tình hình nhập khẩu trong những tháng qua. Kim ngạch nhập khẩu trong 10 tháng đạt 36,869 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ. Điều đáng nói, không chỉ tốc độ tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu đang tăng cao hơn kim ngạch nhập khẩu (24,2%/20,7%), mà nhiều mặt hàng nhập khẩu là hàng tiêu dùng và linh kiện phụ tùng cũng giảm như ô tô nguyên chiếc, linh kiện ô tô, linh kiện xe máy, xăng dầu, phối thép, nguyên phụ liệu cho ngành dệt may và giày dép…
Điều này cho thấy công nghiệp sản xuất phụ trợ trong nước đang phần nào đáp ứng yêu cầu và thay thế dần nguyên liệu nhập khẩu cho các ngành sản xuất.
Trong nhập khẩu, đáng mừng là tỷ lệ nhập khẩu khoa học, công nghệ, máy móc thiết bị, phụ tùng, dụng cụ… đang gia tăng. Số liệu thống kê cho thấy kim ngạch nhập khẩu các loại máy móc thiết bị và công nghệ đạt 5,315 tỷ USD, so với cùng kỳ là 4,323 tỷ USD, chứng tỏ năng lực sản xuất mới của nền kinh tế đang gia tăng mạnh mẽ và sẽ phát huy trong thời gian tới.
Để thúc đẩy tăng trưởng sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là các sản phẩm xuất khẩu, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cho rằng, trong chiến lược cạnh tranh hiện nay, nhiều doanh nghiệp còn theo hướng giảm giá là điều không nên.
Tới đây, doanh nghiệp cần tập trung vào hướng đa dạng hóa các sản phẩm, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm tạo ra nhu cầu sử dụng hàng hóa chuyên biệt và có đẳng cấp cao, mở rộng thị trường.
VĂN MINH HOA