Tạo cơ sở xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật

Ngày 19-12, tại Hà Nam, đã diễn ra hội thảo khoa học toàn quốc nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật (VHNT) Trung ương tổ chức. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tham dự và phát biểu chỉ đạo hội thảo.
Quang cảnh hội thảo về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới
Quang cảnh hội thảo về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới

Nhiều thành tựu, không ít băn khoăn

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ rõ, với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự cống hiến, tâm huyết, tài năng của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước, VHNT đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, “các tác phẩm mới xuất hiện nhiều hơn, nhưng chất lượng chưa tương xứng với số lượng, còn ít những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Công tác lý luận, phê bình VHNT vẫn còn không ít hạn chế. Di sản lý luận văn nghệ của cha ông chưa được nghiên cứu đầy đủ và thấu đáo, trong khi những biểu hiện tiếp thu thiếu chọn lọc và có phần nóng vội đối với một số lý thuyết văn nghệ nước ngoài chậm được khắc phục”, đồng chí thẳng thắn nhận định.

Liên quan tới hoạt động phê bình, theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, tuy đã có tiến bộ, nhưng vẫn chưa khẳng định được vai trò đồng hành, đồng cảm, thật sự góp phần kịp thời điều chỉnh, định hướng đối với sáng tạo và tiếp nhận văn nghệ. Lực lượng làm công tác lý luận, phê bình còn thưa vắng ở hầu khắp các loại hình nghệ thuật. Công tác đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ trong lý luận, phê bình còn nhiều bất cập…

Theo nhà văn Ngô Thảo, đội ngũ lý luận phê bình thường xuyên thiếu và yếu, song những năm gần đây, trước sự phát triển đa dạng của các hình thức sáng tạo VHNT, phát sinh nhiều khuynh hướng tìm tòi mới thì dường như đội ngũ này ngày càng yếu hơn. “Tôi nghĩ, các thành viên trong hội đồng được lựa chọn bởi trình độ, tài năng và khả năng hoạt động nên nhận lãnh trách nhiệm đi tiên phong trong việc khắc phục hiện tình này”, nhà văn Ngô Thảo đề xuất.

Nhà văn Ngô Thảo cũng cho rằng, số lượng tác phẩm văn học xuất bản ngày càng nhiều nhưng đang thiếu một đội ngũ theo dõi, đọc và nhận xét kịp thời, đặc biệt ở mảng sách văn học thiếu nhi. “Trước thực trạng văn hóa, văn học nghiêm túc vẫn chưa tìm được đường đi vào cuộc sống và trước khi mơ đến những giải Nobel Văn chương thì đội ngũ làm nghề nên chung sức tìm ra con đường chinh phục trái tim và khối óc của một bộ phận trong 100 triệu người Việt trong nước và thế giới”, nhà văn Ngô Thảo nói.

Bồi dưỡng, phát huy tài năng

Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhận định, các tác phẩm xuất bản thì nhiều nhưng để có những tác phẩm hay, xuất sắc, phản ánh được không khí của thời đại, gây chấn động dư luận, lại không dễ dàng. Chất lượng các tác phẩm chưa tương xứng với số lượng. “Trong Hội Nhà văn Việt Nam, in sách phần lớn là để tặng nhau. Sách được ra sạp, vào thư viện rất ít. Sách in được 1.000 bản đã được cho là nhiều. Sách bán lay lắt, khó khăn”, nhà thơ Hữu Thỉnh cho hay.

Cùng chung những lo lắng về chất lượng của các tác phẩm VHNT, nhà thơ Vũ Quần Phương dí dỏm chia sẻ: “Thơ hiện nay có nhiều sự lạ. Bỗng dưng số lượng nhà thơ tăng vọt. Trong khi những người làm thơ lâu năm in thơ chủ yếu để biếu tặng, thậm chí còn có người ghi rõ trên sách là Thơ tặng không bán, hay thực tế hơn là không bán được”.

Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, xuất hiện nhiều nhóm, hội làm thơ mang tính phong trào với nhiều chi nhánh ở khắp các tỉnh, thành phố. Thậm chí các nhóm, hội còn làm huy hiệu, giấy chứng nhận đẹp đẽ để tặng cho hội viên tham gia, dù nhiều tác phẩm chỉ ở mức thơ phong trào.

“Thẳng thắn nhìn nhận, nhiều nhà phê bình hạ mình xuống, hạ tiêu chí để ca ngợi những tập thơ nửa vời ấy cũng góp phần làm méo mó nền văn học”, nhà thơ Vũ Quần Phương nhìn nhận.

Tuy nhiên, dưới một góc nhìn mới, tích cực hơn, TS Nguyễn Anh Vũ cho rằng, cùng với xuất bản giấy thì không gian mạng với tính chất của môi trường sáng tạo tự do cũng đang phát triển lớn mạnh. Công cuộc chuyển đổi số đã sản sinh và nuôi dưỡng một đội ngũ tác giả, độc giả hùng hậu, góp phần thúc đẩy và lan tỏa mạnh mẽ văn hóa đọc trong cộng đồng. Tuy vẫn còn một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng vẫn mang nặng “tâm thế giấy” song nhiều tác giả đã chọn hình thức “phát hành” trên mạng trước khi in bản giấy.

TS Nguyễn Anh Vũ nói: “Về tương lai, xuất bản phẩm điện tử là xu thế tất yếu và cần phải nắm bắt nếu ngành xuất bản và nền VHNT Việt Nam muốn ngày càng phát triển theo hướng hiện đại”.

Tại hội thảo, nhiều tham luận chỉ rõ việc xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ là giải pháp mang tính cốt yếu, nhất là khi trình độ chuyên môn của người sáng tạo trẻ ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Dùng, Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị, cho rằng, việc chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ kế cận vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể như công tác bồi dưỡng đào tạo vẫn lạc hậu, chưa chú trọng tới tính đặc thù của lĩnh vực sáng tạo, thiếu đội ngũ giảng viên đầu đàn, có trình độ chuyên môn cao… Hơn thế, ở nhiều địa phương chưa chăm lo một cách đúng mức cho văn nghệ sĩ, thậm chí còn xuất hiện định kiến, xem thường dẫn đến việc không tạo ra động lực, khuyến khích sức sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Cải thiện môi trường sáng tạo của văn nghệ sĩ

Lắng nghe, chia sẻ với các văn nghệ sĩ tham dự hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ rõ, VHNT phải được xem là một nguồn lực quan trọng cho sự phát triển, đồng thời là sức mạnh nội sinh của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đó, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và bố trí phù hợp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực VHNT. Tập trung đẩy mạnh thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng về VHNT thành luật, cơ chế, chính sách và các quy định phù hợp thực tiễn. Huy động nguồn lực để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam, tạo cơ sở xây dựng hệ giá trị VHNT Việt Nam. Tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng tài năng VHNT. Cải thiện môi trường sáng tạo, môi trường làm nghề của văn nghệ sĩ, trong đó vấn đề tự do sáng tạo cần phải được thể chế hóa, góp phần giải phóng tư tưởng, phát huy tiềm năng, kích thích năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Phát huy vai trò của nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục, định hướng, bồi đắp lý tưởng thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh cho thế hệ trẻ. Tiến hành rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực VHNT; chú trọng phát triển các lĩnh vực dịch vụ VHNT, tạo cơ sở vững chắc xây dựng thị trường các sản phẩm VHNT phát triển đồng bộ, hiện đại trong bối cảnh mới…

Xoanh quanh câu chuyện khuyến khích và bồi dưỡng thế hệ kế cận, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cho rằng, song hành với những cuộc thi, cuộc vận động sáng tác dành cho người trẻ, nên quan tâm đến giai đoạn “hậu giải thưởng”. Đó là việc tích cực in ấn, quảng bá, phát hành các tác phẩm được giải. Như vậy càng lan tỏa thêm giá trị tác phẩm chất lượng cao, khẳng định uy tín của cuộc thi và các tác giả đoạt giải. Cùng đó cần đẩy mạnh việc tuyển chọn, tổ chức dịch thuật các tác phẩm văn học chất lượng tốt của các tác giả trẻ để phát hành ở nước ngoài, góp phần lan tỏa sáng tác văn chương thời kỳ mới…

Rộng và xa hơn, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng đề xuất các tổ chức nghề nghiệp cần chú trọng hơn đến vai trò tư vấn, hiến kế, hợp tác xây dựng chính sách với ngành văn hóa cũng như phát huy sôi nổi hơn tiếng nói phản biện chính sách về VHNT. Từ đó, bổ sung, hoàn thiện hơn, hoặc ra đời những định hướng, quy định mới tạo thuận lợi cho công tác chăm lo, bồi dưỡng, đồng hành, hợp tác hỗ trợ lực lượng sáng tạo trẻ…

Theo PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương, không khí phê bình thời gian qua có giảm đi khá nhiều. Nguyên nhân được chỉ ra là phê bình thì sợ bị “ném đá” trên mạng xã hội. Khen đúng, chê đúng là rất cần thiết. Cần khích lệ những tìm tòi, tôn trọng ý kiến khác nhau về lý luận và phê bình văn nghệ vì lợi ích chung và sự phát triển lành mạnh của văn nghệ.

Tin cùng chuyên mục