Buổi tập huấn thu hút hơn 300 cán bộ, thầy cô giáo đến từ 63 sở GD-ĐT trên cả nước
Theo báo cáo thế giới về phòng chống thương tích ở trẻ em, giai đoạn 2015-2017, mỗi năm xảy ra 2.000 vụ đuối nước ở trẻ em. Mỗi ngày có 5,5 trẻ em thiệt mạng vì đuối nước; Tử vong do đuối nước của Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, có 15 địa phương có tỷ lệ đuối nước cao nhất cả nước như: Thái Bình, Bắc Giang, Nam Định, Hà Nội… Năm 2018, theo nghiên cứu trường Đại học Y tế cộng đồng, tại Việt Nam độ tuổi từ 0-4 có tỷ lệ đuối nước cao nhất (12,9/100.000 trẻ/năm).
Ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất cho hay, tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em, học sinh ngày càng diễn biến khó lường. Dạy học sinh biết bơi vô cùng quan trọng, không những giúp phát triển toàn diện về thể chất, nâng cao sức khỏe, mà còn góp phần chủ động trong phòng chống đuối nước. Tuy nhiên, một số trường chưa trang bị bể bơi nên việc dạy bơi gặp khó khăn.
Nội dung tập huấn bao gồm: hướng dẫn trẻ em, học sinh kỹ năng phòng tránh đuối nước trong đời sống; hướng dẫn trẻ em kỹ năng an toàn trong môi trường nước và khi gặp người bị nạn; giới thiệu và thực hành 9 nội dung phòng tránh tai nạn thương tích trong trường học (đuối nước, thương tích do vật nhọn, động vật cắn,...)
Chương trình là nền tảng để giáo viên tiếp tục triển khai nhân rộng, đồng bộ tại các cơ sở giáo dục trên cả nước, góp phần tích cực chủ động tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống đuối nước, đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh.
Chương trình tập huấn dự kiến trong hai ngày 26 và 27-9.