Tất cả các tỉnh, thành đã có kế hoạch cho học sinh trở lại trường học trực tiếp trong tháng 2

Ngày 15-2, Bộ GD-ĐT thông tin, tất cả các tỉnh, thành đã có kế hoạch cho trẻ em mầm non, học sinh trở lại trường học trực tiếp trong tháng 2.
Học sinh đến trường tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Ảnh: QUANG PHÚC
Học sinh đến trường tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Ảnh: QUANG PHÚC

Đến thời điểm ngày 15-2

Đối với cấp mầm non, 54/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp, trừ thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) chưa tổ chức cho trẻ mầm non học trực tiếp. Và, 9 tỉnh, thành phố chưa tổ chức cho trẻ mầm non học trực tiếp gồm: Hậu Giang, Trà Vinh, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hà Nội, Phú Yên, Đà Nẵng, An Giang, Tiền Giang.

Đối với cấp tiểu học, 59/63 tỉnh, thành phố cho học sinh tiểu học học trực tiếp, trong đó, Hưng Yên chỉ tổ chức khối lớp 1 và Vĩnh Long chỉ tổ chức khối lớp 5. Và, 4 tỉnh, thành phố chưa tổ chức gồm: Hậu Giang, An Giang, Đà Nẵng, Tiền Giang.

Đối với cấp trung học cơ sở: 63/63 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trực tiếp (riêng Hà Nội cho học sinh khối 1 đến 6 của 18 huyện, thị xã ngoại thành, khối 7 đến 12 các quận nội thành đi học trực tiếp, tỉnh Vĩnh Long cho học sinh khối 6, 9 đi học trực tiếp).

Đối với cấp trung học phổ thông: 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học: 100% các cơ sở giáo dục đại học đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp.

Bộ GD-ĐT cho hay, tổng số học sinh học trực tiếp đạt tỷ lệ 93,71%. Trong đó, khối mầm non đạt tỷ lệ 85,71%; khối tiểu học 93,65%; khối trung học cơ sở 94,41%; khối trung học phổ thông 99,0%.

Kế hoạch của các địa phương (từ ngày 21-2)

Cấp mầm non có 59/63 tỉnh, thành phố cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp. Còn 4 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, An Giang, Tiền Giang có kế hoạch cho trẻ em mầm non đi học trong tháng 2 nhưng chưa xác định được thời gian cụ thể. 

Cấp tiểu học: 62/63 tỉnh, thành phố cho học sinh tiểu học học trực tiếp, tỉnh Tiền Giang chưa xác định thời gian cụ thể.

Cấp trung học cơ sở, 63/63 tỉnh, thành phố cho 100% học sinh đi học trực tiếp (riêng Hà Nội cho học sinh lớp 6 các quận nội thành và học sinh khối 1 đến 5 của 18 huyện, thị xã ngoại thành đi học trực tiếp).

Cấp trung học phổ thông: 63/63 tỉnh, thành phố duy trì học trực tiếp.

Bộ GD-ĐT khẳng định, tất cả các tỉnh, thành, sở GD-ĐT đã xây dựng và thực hiện tiêu chí đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trực tiếp; xây dựng kịch bản dạy học linh hoạt, an toàn cho trẻ em, học sinh tùy theo tình huống dịch bệnh; triển khai thực hiện Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học đến toàn thể cán bộ, nhân viên, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh; chuẩn bị cơ sở vật chất, vệ sinh khử khuẩn để sẵn sàng đón học sinh đến trường.

Ngày 15-2, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của bộ đã có buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa về tình hình phát triển GD-ĐT.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc ứng phó với dịch bệnh trong trường học bởi vậy không phải chuyện một sớm, một chiều. Do đó, rất cần sự nhất quán trong chỉ đạo, sự chuẩn bị chu đáo, hiểu biết, thái độ và nhận thức đúng về dịch bệnh. Cần trang bị cho học sinh hiểu biết về dịch bệnh nhưng không phải sợ hãi trước dịch bệnh. Sự thống nhất, đồng thuận cao giữa nhà trường và gia đình cũng rất quan trọng.

Bộ trưởng đồng thời nhấn mạnh: Trẻ dù đã tiêm, hay chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 cũng được quyền đến trường một cách bình đẳng; không được tạo ra sự kỳ thị nếu có học sinh là F0, F1…

Bộ trưởng cũng lưu ý cần tăng cường điều kiện về y tế trường học, đặc biệt là vấn đề nhân lực. Cùng với đó, thực hiện kế hoạch thời gian năm học một cách linh hoạt; với cơ sở kết thúc chương trình sớm, cần tranh thủ để củng cố, mở mang kiến thức cho học sinh, trong đó có việc bổ sung, trang bị kỹ năng sống, kỹ năng phòng dịch...

Tin cùng chuyên mục