- Cổ phần hóa 42 đơn vị có tài sản khoảng 60.000 tỷ đồng
“Tết năm nay không thiếu điện”. Đó là khẳng định của Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Lê Thanh, hôm qua 19-1, tại cuộc gặp mặt với nhiều cơ quan báo chí tại Hà Nội, cho dù tình hình nước về các hồ đang rất thấp; nhu cầu sử dụng điện của miền Bắc đang tăng trên 15% và nhà máy điện Phả Lại vừa gặp sự cố.
- Yêu cầu Thủy điện Hòa Bình tăng nước dự trữ
Theo EVN, năm nay là năm thứ hai không có lũ tiểu mãn về hồ Hòa Bình và Thác Bà. Lượng nước về hồ Hòa Bình cả năm chỉ bằng 81% so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 6-2006, lũ mới về nhưng lượng nước chỉ bằng 69% so với trung bình nhiều năm.
Trong khi đó, từ tháng 11 đến nay, nhu cầu sử dụng điện tăng tới 16,4%. Căng thẳng nhất là việc đáp ứng điện cho miền Bắc vì nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong khi năm 2006 không có thêm nguồn mới nào từ khu vực này cung cấp cho lưới điện quốc gia.
Ông Phạm Lê Thanh cho biết, năm 2007, điện sản xuất và mua tới 67,8 tỷ kWh (tăng khoảng 9 tỷ kWh so với năm 2005). Chính vì vậy, EVN vừa yêu cầu Nhà máy Thủy điện Hòa Bình phải cắt giảm sản lượng điện, từ 17 triệu kWh/ngày như hiện nay xuống dưới 10 triệu kWh/ngày nhằm dự trữ nước phòng thiếu điện trong dịp trước và sau Tết.
Mới đây, ông Phạm Lê Thanh cũng đã đề nghị lãnh đạo Công ty Điện lực Phú Mỹ, đơn vị chiếm tới 26% sản lượng điện của cả nước và chiếm 47% lượng điện cho lưới điện quốc gia trong mùa khô hạn (từ tháng 1 đến tháng 5-2007) phải đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn phát điện. Chỉ một sự cố diễn ra tại đây sẽ khiến nguy cơ thiếu điện là không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, EVN đang phải huy động hết khả năng nguồn điện, kể cả điện chạy dầu DO của Phú Mỹ để cung cấp điện.
- Chỉ nắm cổ phần phủ quyết
Khẳng định Tết năm nay không thiếu điện, ông Thanh cho biết, EVN đã lên kế hoạch dài hơi để “không phải lo đối phó với nguy cơ thiếu điện mỗi khi bước vào mùa khô nữa”. Biện pháp ấy là đẩy mạnh cổ phần hóa. Chính vì vậy, EVN vừa đệ trình Thủ tướng cho phép cổ phần hóa 42 đơn vị với tổng số tài sản lên tới 60.000 tỷ đồng (chiếm 50% tổng tài sản của EVN). Năm 2010, EVN sẽ cơ bản hoàn tất cổ phần hóa, kể cả các trường học, bệnh viện của EVN.
Kế hoạch giá bán điện Công ty Điện lực 1: 710,3 đồng/kWh; Công ty Điện lực 2: 824,8 đồng/kWh; Công ty Điện lực 3: 745,8 đồng/kWh; Công ty Điện lực Hà Nội: 982 đồng/kWh; Công ty Điện lực TPHCM: 1.063 đồng/kWh; Công ty Điện lực Đà Nẵng: 913,4 đồng/kWh; Công ty Điện lực Đồng Nai: 711,6 đồng/kWh… (Nguồn EVN) |
Tập đoàn này chỉ giữ lại các đơn vị truyền tải và 3 nhà máy điện đóng vai trò trọng yếu trong việc điều tiết thủy lợi. Riêng năm nay, EVN sẽ bán 5 nhà máy, trong đó có Bà Rịa, Uông Bí và Hàm Thuận Đa Mi. “Chúng tôi đang đợi Thủ tướng sửa đổi chính sách để tới đây sẽ không giữ cổ phần chi phối (tức là nắm trên 50% cổ phần) mà chỉ giữ cổ phần phủ quyết (nắm khoảng 35% cổ phần) tại nhiều đơn vị.
Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu EVN phải lập chiến lược cổ phần hóa mạnh mẽ, không chỉ cổ phần doanh nghiệp mà phải cổ phần cả các dự án. Chẳng hạn, EVN lập dự án đầu tư ở Việt Nam, Lào, Campuchia, sau đó kêu gọi các nhà đầu tư và dân cư góp vốn cùng thực hiện. Ngay cả khâu phân phối điện, các trường học, bệnh viện của EVN cũng cần cổ phần hóa. “Cổ phần hóa cả tập đoàn EVN”, Phó Thủ tướng nói.
NAM QUỐC