Tết ở nhà ông bà

Mùng 3 Tết của 4 năm trước, ông ngoại đột ngột qua đời. Bà tôi như tàu lá chuối rũ xuống, cơ hồ không thể xanh trở lại.

Ông bà làm nghề dạy học ở Thanh Hóa. Trong những câu chuyện kể về ngày xưa, hình ảnh gia đình ông bà dắt díu 8 người con trên chuyến tàu vào Nam in hằn vào lớp các cháu. Sau đó, ông bà an cư ở mảnh đất Tân Phú (Đồng Nai).

Một cuộc sống mới, không còn cái đói khổ nhưng nỗi lòng của người ly hương là vết thương chưa bao giờ lành lặn. Nỗi nhớ càng sâu nặng hơn những ngày cuối năm. Biết ông bà nhớ tết quê, mẹ tôi thường chạy xe khoảng 30km ra thị trấn để mua bằng được một gốc đào ngày 30 tết. Nhưng kể ra thì tết bắt đầu từ trước đó mấy ngày rồi.

Khoảng 25 tháng Chạp, vợ chồng cô Hà (em ruột của mẹ) từ TP Biên Hoà (Đồng Nai) sẽ về quê, chở theo một xe xanh đỏ tím vàng. Nghe báo hiệu, chị em tôi cùng các em (là con của cậu) sẽ khua nhau tập hợp đủ lực lượng. Sau đó, cả gia đình đều bắt tay vào trang trí, làm tiểu cảnh.

Mỗi năm, nhà ông bà sẽ được khoác một tấm áo mới với mỗi chủ đề khác nhau. Có năm, chúng tôi biến ngôi nhà thành cây điều ước với rất nhiều dây tua rua rực rỡ; có năm lại gắn hàng trăm chiếc chong chóng xoay tít sắc màu; có đợt lại đỏ rực đèn lồng đỏ lớn, nhỏ kín mít từ trong ra ngoài. Cô Hà cũng là “nhà đầu tư” chính mua sắm mọi vật dụng trang trí, đồng thời cũng là “chỉ huy trưởng” rồi quát tháo bọn trẻ con.

picture1-8909.jpg
picture2-1776.jpg

Và đã thành truyền thống, ông ngoại sẽ là người cắt chữ “Tết đoàn viên” để treo lên góc trang trí chính, bọn chúng tôi lăng xăng ngó nghiêng xin được phụ việc (phụ thì ít chứ phá thì nhiều).

Bà ngoại sẽ lau dọn và sắp xếp lại bàn thờ tổ tiên, cắm mấy bình hoa cúc, hoa dơn. Các cậu vã mồ hôi treo dàn đèn nháy trong cái nóng đặc trưng của miền Nam. Cậu Hoàng tỉ mỉ ngồi vẽ tranh rồi khoe với bà ngoại, nếu ai thích, cậu sẽ tặng ngay, rồi lại tỉ mẩn vẽ tiếp. Mẹ và chị tôi chở mấy chậu hoa cúc vàng xếp ngay ngắn bên hiên nhà. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng í ới cứ vậy xôn xao căn nhà nhỏ.

Đó là khung cảnh ấm áp nhất mỗi mùa tết về. Từ khi còn đi học cho đến khi lấy chồng, tôi vẫn không ngừng chờ đợi cảm giác đó. Tôi vẫn thầm hãnh diện khi người quen tấm tắc “nhà ông bà Kiều năm nay đẹp quá”. Có lần, một cô hàng xóm còn nói vui “khi nào thấy nhà ông bà Kiều trang trí là thấy tết về”.

Tết năm đó cũng vậy. Nhà ông bà tươi tắn đèn lồng sắc màu.

Sáng mùng 3, ông đột ngột lên cơn đau tim và qua đời. Ông gục đầu xuống gối, hướng ra khung cảnh rực rỡ mà gia đình đã trang trí. Nghe tiếng thằng Nhí gọi điện thoại thảng thốt “ông mất chị ơi”. Bà ngoại đang lấy dầu gió xoa chân tay ông trong tuyệt vọng. Ba mẹ và các cô chú có mặt ngay sau đó. Mẹ tôi khuỵu xuống trước cửa nhà.

Ít phút sau, ngôi nhà lao xao tiếng các cô bác xóm giềng, có người già khập khiễng chạy sang mếu máo: “Trời ơi ông Kiều sao vậy”. Sau những phút đau đớn, người lớn trong nhà phân công công việc để lo chu toàn hậu sự của ông ngoại. Là người lớn, nên họ không thể khóc như trẻ nhỏ nhưng trong lòng thì bị xé nát.

Cây nêu, đèn lồng, những chậu hoa đỏ vàng cũng nhanh chóng được xếp ra sau vườn. Chỉ một buổi sáng, căn nhà đã chít mảnh khăn tang.

picture3-9048.jpg
Trang trí nhà ông bà là niềm vui và cũng là thời gian háo hức nhất mỗi khi tết về

Rất nhanh, lại đến tết. Giỗ đầu ông ngoại. Có người nói, đừng trang trí nữa, nhà đang có tang. Cô Hà lớn tiếng “Nếu bố còn sống, bố sẽ đồng ý cho làm để cháu chắt có chỗ về mà vui chơi. Nếu không còn gì là tết của nhà ông bà nữa”.

Dường như chỉ chờ có vậy, chúng tôi lại xắn tay áo, mua chậu mai chậu đào, xếp chiếc chõng tre làm tiểu cảnh. Ở bên đây, các cô treo từng tiếc đèn lồng của năm cũ còn dùng tốt. Ở bên kia, các cậu lại bắc thang treo dàn đèn nháy. Bà ngoại ngồi dưới hiên, uống ly nước trà, ánh mắt giăng đầy sương. Sau khi ông mất, bà ốm lên xuống vài lần và quên dần đi nhiều thứ. Việc sắp dọn bàn thờ phải để các bác lo liệu.

Tiếng lao xao vẫn còn đó, truyền thống của gia đình vẫn còn nguyên, chỉ có điều vắng đi người cắt chữ quen thuộc.

Năm nay, 25 tết, các cô lại chở một xe xanh xanh đỏ đỏ về nhà ông bà, nào là quạt giấy, nào là câu đối. Những gốc cây trơ lá trong vườn dần tươi. Gia đình đông hơn, bà ngoại đã có thêm chắt, trong lòng cũng đã nguôi ngoai. Nhìn khung cảnh quen thuộc, bà bật cười trách nhẹ: “Không nhà nào loè loẹt như nhà ông bà Kiều”. Vậy là, tết đã về.

Ông tôi vẫn bảo, suy cho cùng, dù xưa hay nay, tết cũng là để đoàn viên. Và có lẽ, cũng là một một cái cớ để người ta được bé lại, bớt lo toan. Ngôi nhà nhỏ của ông bà mãi là góc sân và khoảng trời của lũ trẻ chúng tôi.

Tin cùng chuyên mục