Thả mây núi Cấm

Xe chúng tôi dừng trước thanh chắn đường lên núi Cấm. Ngày đó, đường chưa lát đá và xung quanh cũng chưa có hàng đàn taxi sẵn sàng chở khách lên đỉnh như hôm nay. Đường quanh núi mới tinh, trải nhựa phẳng lì, xe bon bon leo dốc.
Thả mây núi Cấm

Xe chúng tôi dừng trước thanh chắn đường lên núi Cấm. Ngày đó, đường chưa lát đá và xung quanh cũng chưa có hàng đàn taxi sẵn sàng chở khách lên đỉnh như hôm nay. Đường quanh núi mới tinh, trải nhựa phẳng lì, xe bon bon leo dốc.

Đến một cua có dãy chắn bê tông sơn trắng đỏ viền bên mép vực, chúng tôi dừng lại vì cảnh quan quá đẹp. Gió mát, nắng vàng ong, mây trắng xa xa trôi bồng bềnh. Tầm mắt ôm lấy một vùng đồng lúa xanh mướt trên địa bàn xã An Hảo, huyện Tịnh Biên.

Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm. Ảnh: D.L.T.N.

Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm. Ảnh: D.L.T.N.

Nếu đứng từ trên Vồ Bồ Hong nhìn xuống chùa Phật Lớn sẽ thấy cảnh quan nơi đây như một lòng chảo lớn bao quanh bởi các ngọn núi trập trùng như Vồ Đầu, Vồ Bồ Hong, Vồ Thiên Tuế… (vồ có nghĩa là chỏm núi). Khí hậu mát mẻ quanh năm. Người ta hay nói núi Cấm có năm vồ, nhưng thật ra núi Cấm còn nhiều vồ nữa như Vồ Bà, Vồ Bướm, Vồ Chư Thần, Vồ Cây Quế, Vồ Mồ Côi, Vồ Đá Dựng, Vồ Pháo Binh...
 
Núi Cấm (còn gọi Thiên Cấm Sơn hay Thiên Cẩm Sơn), là ngọn cao nhất, lớn nhất nằm trong dãy Thất Sơn, huyện Tịnh Biên (An Giang).

Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, ngọn núi này được gọi là núi Đài Tốn. Có nhiều truyền thuyết về tên núi Cấm. Có thuyết nói trước kia núi Cấm rất hiểm trở, nhiều thú dữ, không ai dám tới trừ những nhân vật siêu hình được thêu dệt một cách huyền bí, ngự trị trên cao, nên dân quanh vùng tự cấm mình không được xâm phạm đến khu vực đó.

Người lại nói ngày trước Gia Long “tấu quốc” lên ở đây, muốn tông tích ông được giấu kín, các cận thần phao tin có ác thú, yêu quái, để cấm dân chúng vào núi. Còn Nguyễn Văn Hầu viết: “Vì vùng núi này hoang vu tịch mịch rất thuận tiện cho những tay “Lương Sơn Bạc” tụ tập để gây rối… Nhà chức trách ở tỉnh đương thời mới đem ra lệnh cấm họ ở trong vùng này.

Còn cái thuyết nói tướng cướp Đơn Hùng Tín (biệt danh của Lê Văn Tín, quê Cao Lãnh) - bị Sở Mật thám Mỹ Tho hạ sát năm 1926 - cấm dân gian bén mảng đến vùng núi này, nơi hùng cứ của y, chắc là không đúng”.
 
Hôm đó, xe chúng tôi chỉ tới được lưng chừng núi. Đường mới mở tới đây, xe xúc xe ủi đang xúc đá ủi đường. Bấy giờ tôi mới biết vì sao mấy chiếc xe ôm từ chân núi cứ chạy theo chúng tôi. Nhìn con đường mòn gồ ghề những đá đầu sư, giống dòng suối cạn thoát nước mùa mưa, chúng tôi hỏi: “Có bảo đảm không bây?”. “Bảo đảm mà chú!”. Họ chỉ nhe răng cười. Nhưng Thất Sơn cảnh trí mỹ miều / Tôi thương, tôi nhớ, tôi liều, tôi đi. Cả đám hăng hái ngồi xe ôm. Xe rồ máy, cái trước cái sau phóng chồm chồm. Tôi phải ôm chặt chú lái xe. Thỉnh thoảng chú ta dạng chân hai bên, làm “hai bánh xe phụ”, vừa rồ máy, vừa choãi chân bươn lên... Thật là những tay lái cừ khôi... Chúng tôi chạy xe leo suối cạn, đường mòn trên núi. Rốt cuộc, chúng tôi cũng tới đỉnh, sau nửa giờ dằn xóc rêm người.

Lội qua một con suối cạn, nước chảy róc rách (giờ đã là hồ nước rộng lớn, trong xanh) là đến chân tượng Phật Di Lặc. Quả là tượng rất đẹp, trắng màu sứ không men, cao hơn 30m, có thể nhìn thấy từ xa mấy mươi cây số. Vài cô gái áo xanh đỏ tinh nghịch đã leo lên định chui vào rốn ông. Ông cứ cởi trần “Di Lặc nhịn mặc mà ăn” và cười toét, bất chấp mưa nắng hay sự nghịch ngợm của con người. Chúng tôi mua bó nhang, thắp lên, đứng vái ông rồi túa ra cắm nhang khắp xung quanh... Đi một vòng sang thăm chùa rồi trở về thì mây từng cụm kéo tới. Vài hạt mưa rơi lắc rắc. Chúng tôi bước nhanh vào lán thi công tượng Phật. Mây sà vào, mát lạnh, dường như bà Vân Mẫu vừa mở túi, thả mây...

Trên đường về, xe ôm cứ nhảy chồm chồm, còn dễ sợ hơn khi lên. Chợt thấy một quán bên đường, kêu dừng xe giải lao. Chúng tôi hỏi món ăn liền được cô chủ đon đả chào đón: “Có thịt bò xào. Mấy anh ăn hôn?”. Giữa trưa, bụng đói, lời chào thật hấp dẫn. Lại hỏi: “Có gì uống?”. “Rượu chuối hột. Ngon lắm”. Lại thêm mấy cái bánh xèo. Còn gì hơn cho bữa trưa lưng chừng núi Cấm!


TRẦN THANH GIAO

Tin cùng chuyên mục