Thái Lan: Bất đồng về sửa đổi hiến pháp

Trận lụt lịch sử của Thái Lan tháng 7-2011 diễn ra chỉ 1 tuần trước khi bà Yingluck Shinawatra được Quốc vương Thái Lan phê chuẩn chức vụ thủ tướng. Trận lụt đã tác động mạnh đến kinh tế nước này, khiến tốc độ tăng trưởng GDP từ 4% xuống còn 1% trong năm 2011. Một tin tốt lành đến với chính phủ của Thủ tướng Yingluck là vào ngày 22-2, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã ra phán quyết cho rằng 2 sắc lệnh của chính phủ trong vấn đề khắc phục và phòng ngừa lũ không trái hiến pháp như cáo buộc của đảng Dân chủ đối lập.

Sắc lệnh thứ nhất cho phép chi 350 tỷ baht (985 triệu USD) để tài trợ các dự án kiểm soát lũ. Sắc lệnh thứ hai cho phép chính phủ ngừng quản lý số nợ 1,14 ngàn tỷ baht. Số tiền nợ này do Quỹ Phát triển các viện tài chính (FIDF) mắc nợ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Kế hoạch quản lý theo sắc lệnh nói trên chuyển việc trả nợ của FIDF cho Ngân hàng Thái Lan trong vòng 26 năm. Điều này sẽ giúp chính phủ của bà Yingluck có thêm 60 tỷ baht để cải thiện công tác quản lý thoát nước và đảm bảo cho nền kinh tế vững hơn.

Song song với hàng loạt công tác khắc phục hậu quả trận lụt, chính phủ của Thủ tướng Yingluck đang chuẩn bị thông qua Quốc hội việc sửa đổi hiến pháp, trong đó có việc thành lập một hội đồng sửa đổi hiến pháp (CDA). Liên minh Nhân dân vì dân chủ (lực lượng áo vàng đối lập) cáo buộc chính phủ của bà Yingluck âm mưu viết lại hiến pháp để tạo ra lợi thế cho các đảng cầm quyền. Họ muốn việc sửa đổi hiến pháp phải được thông qua các nhóm dân sự và kêu gọi ngừng ngay tiến trình thành lập CDA. CDA gồm 99 thành viên (đại diện của 77 tỉnh và 22 chuyên gia) có thời hạn 180 ngày để soạn ra hiến pháp mới.

Theo tờ The Nation, cả hai lực lượng áo vàng và áo đỏ ủng hộ chính phủ đều cho biết sẽ tổ chức các cuộc biểu tình chống đối và ủng hộ tiến trình sửa đổi hiến pháp. Khi đó bầu không khí chính trị Thái Lan sẽ nóng bỏng trở lại tương tự như thời kỳ biểu tình của lực lượng áo vàng chiếm sân bay quốc tế năm 2008 cũng vì phản đối phe áo đỏ sửa đổi hiến pháp.

Các chuyên gia nhận định, việc sửa đổi Hiến pháp Thái Lan nhằm bãi bỏ các điều khoản hạn chế quyền lợi của các đảng phái chính trị (do giới quân sự bổ sung năm 2007) sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa chính phủ với giới quân sự đến mức một số nguồn tin nước ngoài dự báo về một cuộc đảo chính quân sự vào tháng 6 tới. Nhưng thông tin này đã bị giới quân sự Thái Lan bác bỏ.

Ngoài những vấn đề nóng bỏng trên, Thái Lan cũng đang phải xử lý âm mưu đánh bom do các phần tử nước ngoài lên kế hoạch nhắm vào những người nước ngoài tại Thái Lan. Tuy phải đối phó với nhiều vấn đề trong nước, Thủ tướng Yingluck cũng không quên củng cố quan hệ đối ngoại thông qua chuyến đi tới các nước. Mới nhất là chuyến công du sang Malaysia ngày 20-2 vừa qua, chuyến đi được đánh giá là khá thành công. 

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục