Tham gia Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể làm tăng vị thế của Việt Nam

Ngày 29-11, Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL phối hợp UBND tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị - Hội thảo - Thực hành di sản kỷ niệm 20 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (2003-2023), đánh giá hiệu quả thực hiện công ước đối với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Chương trình biểu diễn của các cung văn tại hội nghị
Chương trình biểu diễn của các cung văn tại hội nghị

Theo Cục Di sản văn hóa, sau 18 năm tham gia công ước, Việt Nam đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Tính đến nay, Việt Nam đã có gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, phân bố ở hầu khắp các tỉnh, thành phố. 1.881 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, trong đó có 131 Nghệ nhân nhân dân và 1.750 Nghệ nhân ưu tú.

PGS-TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa

PGS-TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa

Theo PGS-TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể góp phần nhận diện giá trị của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, nhờ nhận diện hiện trạng, sức sống của di sản để triển khai kịp thời các đề án/dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đã ngăn chặn nguy cơ mai một, thất truyền, góp phần tích cực bảo vệ bản sắc văn hóa. Ngoài ra, các di sản văn hóa phi vật thể được thực hành, sưu tầm, phục dựng, trình diễn... đã trực tiếp nâng cao đời sống văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội cộng đồng cư dân.

“Các di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục quốc gia, quốc tế; các nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước đã khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ cộng đồng có di sản; chính quyền địa phương, xã hội quan tâm, tự nguyện và chủ động bảo vệ cũng như đẩy mạnh giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của địa phương, tạo động lực trong quá trình xã hội hóa các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…”, PGS-TS Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cũng khẳng định, với nỗ lực không ngừng, trách nhiệm và tình yêu di sản văn hóa phi vật thể; thông qua tăng cường thực hiện và hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa, Việt Nam cam kết mạnh mẽ việc thực hiện Công ước 2003 của UNESCO; đồng thời đã và đang đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, nghệ nhân chia sẻ những tồn tại và kiến nghị nhiều giải pháp nhằm phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, nghệ nhân chia sẻ những tồn tại và kiến nghị nhiều giải pháp nhằm phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ

Đối với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, đại diện Sở VH-TT TPHCM cho biết, đây là loại hình tín ngưỡng khá mới mẻ với người dân TPHCM.

"Trong công tác quản lý nhà nước, TPHCM cũng còn một số lúng túng đối với trường hợp cá nhân đăng ký hoạt động tín ngưỡng “thờ Mẫu hầu đồng” tại gia", đại diện Sở VH-TT TPHCM cho hay.

Là người trực tiếp thực hành và gìn giữ di sản, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Tất Kim Hùng (Hà Nội) cho biết, từ khi di sản này được ghi danh, hiện tượng biến tướng của thực hành nghi lễ hầu đồng đã diễn ra rất phổ biến. Thậm chí, thực hành hầu đồng “méo mó”, “sai lệch” cũng xuất hiện trong khuôn khổ một số hội nghị, tọa đàm...

Tin cùng chuyên mục