Tối 19-11 tới, 30 giáo viên ưu tú sẽ nhận giải thưởng cao quý Võ Trường Toản. Đa số giáo viên này có hơn 20 năm cống hiến cho nghề dạy học tại TPHCM. Trước thềm buổi lễ trao giải, PV Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện ngắn với 3 trong số 30 tấm gương tiêu biểu đó.
- Cô Nguyễn Thị Thanh Nhu, Tổ trưởng chuyên môn khối Lá, Trường Mầm non Sơn Ca 11 (quận Phú Nhuận): Sống bằng tình cảm của học trò
Giáo viên mầm non chúng tôi không sống bằng lương mà sống bằng… tình cảm của học trò và phụ huynh trao tặng. Tôi nhớ mãi hình ảnh một chị phụ huynh bán cà phê ở góc đường, suốt năm đưa con đi học chưa bao giờ mặc gì khác ngoài một bộ đồ thun cũ nát, ướt đẫm mồ hôi của sự nghèo khó. Vậy mà sáng sớm 20-11 năm đó, chút nữa thôi là tôi đã không nhận ra chị khi chị đến trường bằng một bộ quần tây, áo sơ mi tề chỉnh, ngập ngừng đứng trước cửa lớp chỉ để trao cho tôi một bông hồng còn đẫm hơi sương. Chị cầm tay tôi, không nói gì rồi luống cuống ra về sau hai tiếng thoáng vội “cảm ơn”. Bông hồng đó đến nay đã khô héo nhưng tôi vẫn để mãi ở góc phòng như lưu dấu một kỷ niệm đẹp về tình cảm của phụ huynh. Ngoài ra, trong ngăn bàn làm việc của tôi cũng còn lưu giữ rất nhiều bức tranh học trò vẽ tặng. Có bức vẽ nhân ngày nhà giáo, có bức tặng mừng sinh nhật của tôi nhưng cũng có bức tặng chẳng nhân dịp gì cả. Không vui sao được khi chỉ vừa chia tay ở cổng trường, về đến nhà đã có bé nhờ người thân bấm điện thoại gọi cho tôi chỉ để nói “cô ơi, con nhớ cô, hồi nãy ra về cô chưa hôn tạm biệt con”. Cuối tuần không đi học, có bé khóc đòi phụ huynh chở đến nhà thăm tôi, đến khi gặp tôi chỉ nhảy choàng lên cổ, hôn cái chụt rồi “thưa cô, con về”.
Những tình cảm quý báu đó đã níu giữ chúng tôi hàng ngày vẫn bám trường, bám lớp dù đồng lương nghề giáo chỉ đủ trang trải một số nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Đã quyết tâm đi theo nghề giáo thì thu nhập cao hay thấp không còn là vấn đề quá quan trọng. Chừng nào phụ huynh còn thương, học trò còn cần chúng tôi nâng bước, dạy dỗ thì chúng tôi vẫn dạy học.
Nghề dạy học nói chung, mầm non nói riêng có lẽ là nghề duy nhất trong xã hội không đo đếm thành công bằng thu nhập. Xuất phát điểm cũng như đích đến của nó đều là tấm lòng và những tình cảm quý giá mà tiền bạc không thể nào mua được.
- Cô Nguyễn Thị Dung, Khối trưởng khối 1, Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chính (quận Phú Nhuận): Động lực thiêng liêng
Gần 30 năm đứng lớp giảng dạy, tôi cũng không nhớ hết đã có bao nhiêu lứa học trò gọi mình bằng mẹ, chỉ biết hai tiếng “mẹ Dung” mà học trò âu yếm trao tặng đã trở thành động lực thiêng liêng nhất giúp tôi vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, đứng vững trên con đường giảng dạy.
Nhiều năm đảm trách vai trò giáo viên chủ nhiệm, ngoài việc truyền đạt kiến thức, tôi còn được các em chia sẻ nhiều về gia đình, cuộc sống và những vui, buồn trong suy nghĩ hồn nhiên, non nớt của lứa tuổi tiểu học. Ở nhà có gì vui hôm sau vào lớp cũng phải kể “mẹ Dung” nghe; bố mẹ mới mua cho cái áo mới, đồng hồ mới cũng chạy ùa vào lớp khoe trước khi vào tiết học.
Giờ ra chơi, mỗi khi thấy tôi đi bộ trong sân trường, các em lại chạy ùa đến nắm tà áo, khen hôm nay “mẹ Dung” mặc áo màu hồng đẹp quá. Cứ như thế, trường lớp trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi, học sinh dù ngoan hay dở đều là những đứa con thân thiết mà tôi phải có trách nhiệm dạy dỗ.
Vui nhất là một số em hiện nay đã học đại học nhưng vẫn thường xuyên về thăm trường, thăm giáo viên chủ nhiệm năm lớp 1. Trong đó, có em tôi nhận ra nhưng cũng có em giờ khôn lớn, vóc dáng và khuôn mặt đã thay đổi quá nhiều, tôi chỉ nhớ mang máng. Song, trên hết là tình cảm quý báu các em vẫn dành cho tôi. Tình cảm đối với học trò luôn là điều tôi nâng niu, trân trọng nhất.
- Cô Cung Thị Hiền Hạnh, Nhóm trưởng Sử - Địa - Công dân, Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh): Luôn tạo cơ hội cho học sinh
Ngày xưa, khoảng cách giữa thầy - trò rất khác so với bây giờ. Gặp thầy, trò lúc nào cũng khúm núm, dù lòng rất yêu quý nhưng không dám bày tỏ. Nay, cuộc sống đã thay đổi, thầy - trò vừa là bạn đồng hành, vừa có thể trở thành những người thân thiết, ruột thịt.
Hơn 20 năm đứng lớp, tôi đã từng cảm hóa biết bao học trò ngỗ nghịch. Hay là trở thành người mẹ, người chị thứ hai, chia sẻ với các em từng cuốn tập, cây viết khi gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Đối với tôi, học trò dù là cá biệt cũng có những nét đáng yêu riêng, chỉ cần người thầy biết cách nhẹ nhàng uốn nắn thì không em nào trở thành người thừa trong xã hội.
Phương châm giảng dạy của tôi luôn tạo cơ hội cho học sinh, chỉ cần mình làm nghề bằng cái tâm thì nghề dù không hái ra tiền vẫn đem lại cho người thầy niềm hạnh phúc khó tả.
Trước đây, trường tôi từng có một trường hợp học sinh rất cá biệt, khai sinh của em không có cha, gia cảnh khó khăn, bản thân lại không biết phấn đấu trong học tập, luôn bị hạnh kiểm yếu. Thầy cô trong trường đã nhiều lần khuyên nhủ nhưng em vẫn không thay đổi. Song, tôi đã dần dần cảm hóa em từ một học sinh cá biệt, học lực trung bình thành một học sinh giỏi cấp quận, đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố môn Sử và sau cùng là thi đậu vào một trường cấp 3 có tiếng trên địa bàn quận. Bây giờ em đã thành đạt, có gia đình, công ăn việc làm ổn định nhưng thỉnh thoảng vẫn ghé về thăm trường, cô, trò ngồi ôn lại chuyện cũ. Từ sau lần đó, tôi hiểu vai trò của người thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn có thể cảm hóa, thay đổi số phận của cả một con người. Và mỗi khi xã hội có thêm một người thành đạt thì đằng sau thành công ấy, có một người thầy đang mỉm cười hạnh phúc khi cây mình “trồng” đã cho ra “quả ngọt”.
Thu Tâm thực hiện