Qua gần chục ngày của tháng Chạp, Hà Nội vẫn rét kha khá. Đi trong tháng Chạp lại nhớ tới hai từ Một Chạp mà ông bà mình thường gọi. Một Chạp là cái tên người Bắc dành để chỉ hai tháng âm lịch cuối cùng của một năm. Một là tháng mười một, còn Chạp là tháng mười hai theo lịch Âm.
Rét thường là cái duyên đặc thù của mùa đông và đầu mùa xuân đất Bắc. Có rét mới là thuận mùa. Một Chạp cũng là hai tháng áp tết. Tháng Chạp càng gần tết hơn khi mà thời khắc cúng ông Táo chỉ còn tính theo ngày...
Tôi theo tháng Chạp Hà Nội ra phố Huế lên Bờ Hồ. Vườn hoa mang tên đức vua Lý Thái Tổ vẫn rạng rỡ từ đầu Tết Dương lịch đến giờ dòng chữ hoa Chúc mừng năm mới 2013 xuân Quý Tỵ. Mặt Hồ Gươm nhè nhẹ nước. Đường quanh hồ điểm trang đây đó màu vàng hoa cúc. Rét vậy mà hoa vẫn nồng nàn màu sắc. Qua Hàng Đào, lên chợ Đồng Xuân tôi gặp cơ man nào là đồ ấm. Các cửa hiệu thời trang ken nhau mặc ấm cho phố cổ bằng các y phục giàu chất dày dặn của mình. Qua phố Hàng Lược, nơi thường có chợ hoa vào những ngày sắp tết, bất ngờ tôi bắt gặp đôi cành đào. Một là đào phai, cánh hoa phơn phớt hồng nhạt và một kia là đào bích cánh hoa màu đỏ sẫm. Đôi cành đào tôi bắt gặp trên phố Hàng Lược sớm nay như hai vế đối vui cho người chờ xuân bởi biết rằng dù thời tiết khắc nghiệt đến đâu thì người Hà Nội vẫn luôn luôn có hoa đào đón tết. Hai cành hoa tôi gặp như là điềm lành báo tiệp cho mọi người khi cây biết vượt lên lạnh giá để cho nụ đúng kỳ.
Đã đến Đồng Xuân, không thể không lên hồ Tây. Giờ này mặt hồ mờ ảo một màu sương khói. Âm âm đâu đó thoảng tiếng chuông ngân, ấm trầm nhịp mõ vọng ra từ ngôi chùa cổ Trấn Quốc. Hồ mênh mang lặng sóng và yên ả màu Thiền trong dịu dàng thấp thoáng của các làng hoa cổ điển ven bờ, nơi luôn luôn có hoa đẹp cho Hà Nội những ngày xuân đến, tết về và những dịp trọng đại khác. Đất trồng hoa giờ có hẹp đi nhưng người hồ Tây vẫn cố gìn giữ được cho thủ đô những bông hoa truyền thống có từ muôn xưa với hoa sen mùa hạ, đào phai, đào bích mùa xuân mà lúc này đây hoa đào đang được các bàn tay làm vườn ủ nụ ươm bông trong giá rét...
Dạo qua chỉ một vài nơi của TP vào những sớm mai, tôi nhận ra vẻ thanh thản dịu dàng vốn có của người Hà Nội ngay trong cả những lúc vất vả nhất. Năm nay kinh tế khó khăn, thu nhập nhiều nơi giảm, giá cả tăng vậy mà trên mỗi gương mặt người tôi gặp sớm mai trong rét buốt vẫn ít thấy co ro. Nhiều nhà đã bàn đến chuyện lo tết với chiếc bánh chưng sẽ tự gói hay đặt ở đâu, còn con gà trống hoa cúng đêm giao thừa sẽ đặt mấy cháu ở quê sắm cho. Những nhà có người thân đi làm ăn xa đã có lịch bay, lịch đi tàu báo về để gia đình yên tâm. Quê hương, người thân bao giờ cũng là gốc rễ cho người ở xa luôn nhớ về, luôn muốn về sum vầy trong dịp tết đến. Ngày vui Tết cổ truyền của dân tộc, ai lại không muốn được sống cùng cội nguồn bởi nơi ấy là nơi bắt đầu của mỗi cuộc đời mình.
Giờ mới đang nửa đầu tháng Chạp. Không khí lo toan cho tết sẽ bận bịu hơn, nhộn nhịp hơn khi mỗi ngày mới đến. Những ngày gần rằm và ngoài rằm lại càng rõ hơn màu sắc của tết, nhất là nơi các chợ hoa, chợ quả, các cửa hàng...
Hà Nội sẽ vào xuân vui cùng cả nước bắt đầu từ những ngày tháng Chạp tảo tần và chu đáo này.
Nhà văn Phan Quế