Nhìn lại 1 năm kiện đòi nợ Bảo hiểm xã hội

Thắng nhưng chưa trọn vẹn!

Năm 2009 được xem là năm khởi đầu cho việc “tuyên chiến” với tình trạng nợ đọng Bảo hiểm xã hội (BHXH) khi toàn hệ thống BHXH TPHCM đã khởi kiện 104 doanh nghiệp (DN) ra tòa. Mặc dù kết quả đạt được bước đầu có phần khả quan nhưng điều đáng nói là sau 1 năm theo đuổi các vụ kiện, nhiều vấn đề vướng mắc vẫn chưa được giải quyết.
Thắng nhưng chưa trọn vẹn!

Năm 2009 được xem là năm khởi đầu cho việc “tuyên chiến” với tình trạng nợ đọng Bảo hiểm xã hội (BHXH) khi toàn hệ thống BHXH TPHCM đã khởi kiện 104 doanh nghiệp (DN) ra tòa. Mặc dù kết quả đạt được bước đầu có phần khả quan nhưng điều đáng nói là sau 1 năm theo đuổi các vụ kiện, nhiều vấn đề vướng mắc vẫn chưa được giải quyết.

“Con nợ”: Đủ cách thoái thác

Tín hiệu đáng mừng nhất trong suốt hành trình 1 năm đi “đòi nợ” của BHXH TP là nhiều đơn vị đã chấp nhận trả nợ khi BHXH TP chưa nộp đơn ra tòa. Trong số 172 đơn vị được đưa vào danh sách khởi kiện thì ngay trong quá trình kiểm tra đã có 46 DN khắc phục hết nợ với tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng. Một số đơn vị khác đã bị nộp đơn khởi kiện nhưng chấp nhận trả nợ trước khi phía khởi kiện tạm ứng án phí nên cơ quan BHXH đã rút đơn kiện như trường hợp Công ty Cổ phần Công trình giao thông 710, Công ty TNHH Sunlight…

Trước khi ra tòa, trong quá trình hòa giải cũng đã có 44 DN chấp nhận trả nợ trong thời hạn 3 tháng và xin chịu phần án phí. Tổng số tiền thu hồi được cho đến thời điểm này là 41,6 tỷ đồng (trên tổng số 77,35 tỷ đồng tiền nợ), đạt tỷ lệ gần 52% so với tổng số nợ của các DN trong diện khởi kiện.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là con số bề nổi. Trong số 44 đơn vị chấp nhận, hứa hẹn sẽ trả nợ trong quá trình hòa giải để “thoát” chuyện phải hầu tòa thì BHXH TP chỉ mới thu được tiền của 14 DN! Nhiều DN, sau khi được rút đơn kiện lại quay ra không chịu thực hiện quyết định của tòa án. Đơn cử như Công ty TNHH Phospin Vina nợ hơn 587 triệu đồng nhưng chỉ trả được 150 triệu đồng rồi im hơi lặng tiếng. Đến khi cơ quan BHXH gửi đơn yêu cầu thi hành án thì mới vỡ lẽ công ty không còn tài sản. Còn Công ty TNHH Phú Hữu thì nợ trên 1,1 tỷ đồng nhưng khi BHXH huyện Bình Chánh gửi đơn yêu cầu thi hành án thì mới phát hiện đơn vị này không còn tài sản để thi hành án. Số tiền nợ 1,1 tỷ đồng không có khả năng thu hồi.

Mặc dù trong năm 2009, số vụ mà BHXH TP và BHXH các quận huyện khởi kiện lên đến hàng trăm vụ nhưng cho đến nay, chỉ vỏn vẹn có 4 vụ được đem ra xét xử. Cả 4 vụ, tòa án đều tuyên cho cơ quan BHXH thắng kiện và yêu cầu DN phải trả dứt điểm 1 lần số nợ. Thế nhưng, cho đến nay, khả năng thi hành án của các DN bị thua kiện hầu như không có.

“Chiêu bài” của các DN này là tận dụng tối đa số lần được phép vắng mặt theo luật định khi đã bị tòa triệu tập. Đến khi có kết quả xét xử, DN lại cố tình trì hoãn bằng cách nộp đơn kháng cáo. Trong thời gian chờ tòa xét xử phúc thẩm, nhiều chủ DN cao chạy xa bay.

Đơn cử như trường hợp Công ty TNHH Dục Quân, nợ hơn 1,65 tỷ đồng, sau khi thua kiện ở phiên phúc thẩm, DN chỉ trả được hơn 100 triệu đồng rồi nộp đơn kháng cáo. Sau đó, do chủ DN đã bỏ trốn nên buộc lòng TAND TP phải bác đơn kháng cáo. Số nợ còn lại hơn 1,5 tỷ đồng trở thành một món nợ khó đòi khi “con nợ” đã bốc hơi không hẹn ngày trở lại. Kiểm kê tài sản mới hay DN “vườn không nhà trống”. Cũng cùng “kịch bản” kháng cáo để kéo dài thời gian, giữa tháng 1-2010, khi TAND TP triệu tập đại diện Công ty TNHH Thanh Phong để xét xử phúc thẩm theo đơn yêu cầu của công ty thì phía công ty tự động vắng mặt với lý do là lãnh đạo công ty bận đi công tác ở nước ngoài!

Công nhân Công ty Anjin đến phiên tòa xét xử vụ công ty nợ BHXH. Ảnh: MAI HƯƠNG

Công nhân Công ty Anjin đến phiên tòa xét xử vụ công ty nợ BHXH. Ảnh: MAI HƯƠNG

“Chủ nợ”: Lực bất tòng tâm

“Chủ trương của TP là khởi kiện để thể hiện thái độ cương quyết, không khoan nhượng. Dù biết kiện là thắng nhưng thắng rồi chưa chắc đã đòi được nợ” – một cán bộ cơ quan BHXH TP tâm tư. Hiện tại, một số quy định của pháp luật còn gây khó cho phía khởi kiện.

Ông Nguyễn Đăng Tiến, Trưởng phòng Kiểm tra, cơ quan BHXH TP dẫn chứng: “Trước khi gửi đơn thi hành án, người được thi hành án (tức cơ quan BHXH) phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của đơn vị. Việc xác minh này rất phức tạp vì không nhận được sự hợp tác trung thực của người bị thi hành án. Mặt khác, khi có đơn yêu cầu, nếu cơ quan thi hành án tiến hành xác minh mà đơn vị không có điều kiện để thi hành án thì đơn yêu cầu bị trả lại. Việc khởi kiện khi đó chỉ đơn thuần tạo được ý nghĩa về mặt dư luận xã hội. Trường hợp DN có tài sản để thi hành án thì lại phải qua một loạt các thủ tục thẩm định giá, kê biên, thanh lý, phát mãi tài sản rồi mới trả nợ cho quỹ BHXH. Quy trình này thường kéo dài, rất tốn thời gian, công sức”.

Một vấn đề còn vướng mắc là chuyện án phí. Trong năm 2009, toàn hệ thống BHXH TP đã nộp gần 500 triệu đồng tiền tạm ứng án phí cho các vụ kiện. Mặc dù khi tòa đem ra xét xử hoặc hòa giải, cơ quan BHXH đều được tòa tuyên hoàn trả số tiền tạm ứng án phí. Thế nhưng đến nay cơ quan BHXH chỉ mới thu hồi được hơn 191 triệu đồng. Cá biệt, có trường hợp tiền tạm ứng án phí còn bị sung công quỹ một cách khó hiểu. Đơn cử như vụ kiện Công ty TNHH Vina Haeng Won Indutrial.

Cơ quan BHXH khởi kiện từ năm 2008, đến tháng 7-2009, TAND quận 8 đình chỉ vụ án và sung công quỹ 10,86 triệu đồng tiền tạm ứng án phí của cơ quan BHXH với lý do: Bị đơn trong vụ án đã có quyết định mở thủ tục phá sản. Bức xúc vì mất tiền oan, BHXH TP gửi đơn kháng cáo đến TAND TP nhưng không được chấp nhận. Hiện BHXH TP đang đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đến Chánh án TAND tối cao.

“Tình trạng nợ BHXH vẫn tiếp diễn một phần là do mức xử phạt trung bình khoảng 20 triệu đồng. Hành vi chiếm dụng tiền đóng BHXH của chủ DN chỉ mới được xử lý hành chính nên chưa đủ sức răn đe. Chừng nào tất cả những vướng mắc như trên được các cơ quan chức năng xem xét, phối hợp điều chỉnh thì hiệu quả khởi kiện và xử lý các đơn vị trốn đóng BHXH mới thật sự đạt được hiệu quả” - Phó Giám đốc BHXH TPHCM, Đỗ Quang Khánh nói.

KHẮC MAI

Tin cùng chuyên mục