Thành phố dịch vụ - thương mại

Thành phố dịch vụ - thương mại

TPHCM năng động đến chóng mặt”. Một người bạn từ Hà Nội vào phải thốt lên khi tôi chở đi một vòng thăm những nơi được cảm nhận là đổi mới nhất từ sau ngày giải phóng. Ấn tượng nhất là khu đô thị mới Nam Sài Gòn mang dáng dấp của những đô thị hiện đại trên thế giới; khu đô thị Thủ Thiêm với những căn biệt thự cao cấp đang chuẩn bị trở thành một trung tâm tài chính lớn của cả nước; khu phần mềm Quang Trung và một số khu công nghiệp-khu chế xuất đang rất sôi động.

Thành phố dịch vụ - thương mại ảnh 1

Hệ thống siêu thị ở TPHCM đã thu hút được nhiều khách hàng. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Người bạn, cũng như tôi, thích được nhìn ngắm buổi sớm ở khu đô thị mới, những con đường yên tĩnh đang rực sáng lên trong nắng ban mai và các cư dân đa phần là trẻ và trí thức… Nhưng bạn tôi đặc biệt chú ý đến cái chất làm ăn của người Sài Gòn cứ lan tỏa trong mọi hành động, nói năng, giao tiếp… vừa nhanh nhẹn, vừa quyết liệt.

Chính vì thế, trong thời kỳ bao cấp, TPHCM là nơi tập trung đầu tư sản xuất hàng hóa cung cấp cho cả nước; rồi đến thời kỳ làm ăn với các nước Đông Âu, TPHCM là địa phương tổ chức sản xuất và xuất khẩu hàng tiêu dùng nhiều nhất cả nước sang thị trường này. Và bây giờ, TPHCM đang thực hiện hàng loạt biện pháp để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, trong đó dịch vụ thương mại là định hướng phát triển.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín, người đang giữ vai trò “tư lệnh” trong mặt trận này cho biết: Tăng trưởng kinh tế của TPHCM trong những năm tới sẽ chủ yếu nhờ vào khu vực dịch vụ-thương mại. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước, khi mà các địa phương xung quanh TPHCM và nhiều địa phương khác cũng đang tập trung thực hiện các biện pháp thu hút đầu tư để nhắm tới mục tiêu công nghiệp hóa-hiện đại hóa.

Với xu thế này, việc chuyển dịch các ngành sản xuất công nghiệp có sử dụng lao động nhiều về các địa phương là hoàn toàn hợp lý, vừa giúp người nông dân ở đây “ly nông bất ly hương”, vừa giúp TP phát triển các ngành nguyên liệu phụ trợ, tránh được áp lực dân số đến từ các địa phương trong khi cơ sở hạ tầng vẫn còn yếu.

Cũng vì thế, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội của TPHCM với các tỉnh Nghệ An, Đắc Lắc, Long An, Lâm Đồng, Bình Phước… đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. “Trên địa bàn TPHCM, chúng tôi đang chuẩn bị các đề bài theo yêu cầu phát triển của TP để tìm các nhà đầu tư có lời giải hoàn hảo nhất”, ông Tín đã nói như vậy.

Để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, TP sẽ có các bài toán cụ thể để thu hút đầu tư phát triển các ngành dịch vụ tài chính-tín dụng-ngân hàng, thị trường bất động sản, dịch vụ bảo hiểm, vận tải hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu, dịch vụ du lịch kết hợp hội họp và nghỉ dưỡng…

Nói nôm na, TPHCM đang phấn đấu để trở thành một địa điểm lý tưởng mà các nhà doanh nghiệp lựa chọn: Khi đầu tư sản xuất thì đến các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng nghỉ ngơi và mua sắm thì phải về TPHCM.

VĂN MINH HOA

Tin cùng chuyên mục