Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực giữ chân giáo viên

TPHCM đang xây dựng chính sách hỗ trợ thu nhập cho giáo viên tiểu học. Đây là bậc học thứ hai đề xuất hỗ trợ thu nhập cho giáo viên sau khi việc hỗ trợ đã được triển khai ở bậc mầm non từ năm 2021. Liệu giải pháp tăng thu nhập có giải quyết tận gốc bài toán thu hút và giữ chân đội ngũ nhà giáo?
Học sinh Trường Tiểu học Huỳnh Văn Ngỡi (TP Thủ Đức) trong giờ học
Học sinh Trường Tiểu học Huỳnh Văn Ngỡi (TP Thủ Đức) trong giờ học

Có thực mới vực được đạo

Liên quan đến thu nhập của giáo viên tiểu học, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam cho biết, căn cứ Điều 8, Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT (ngày 2-2-2021) của Bộ GD-ĐT quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức giảng dạy trong trường tiểu học công lập, hệ số lương khởi điểm của giáo viên mới ra trường là 1,86. Sau khi trừ phí bảo hiểm xã hội, trong năm đầu tiên công tác, mỗi thầy, cô có thu nhập hơn 3,3 triệu đồng/tháng, thấp hơn rất nhiều so với bình quân chi phí sinh hoạt tính theo đầu người tại TPHCM là 11,4 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, Luật Giáo dục quy định không thu học phí đối với bậc tiểu học, nhưng ngân sách cấp cho bậc học này ngang bằng các bậc học khác. Đặc biệt, trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trường tiểu học phải triển khai dạy học 2 buổi/ngày nên không thu học phí buổi 2 (trước đây chương trình cũ dạy học 1 buổi/ngày nên các trường có thể thu học phí buổi 2 - PV) dẫn đến khó khăn về nguồn thu cho các đơn vị, gián tiếp ảnh hưởng thu nhập của giáo viên.

Thầy Phạm Hữu Phúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Khánh Dư (quận 1), bày tỏ, hàng năm đều xảy ra tình trạng giáo viên trúng tuyển viên chức nhưng không nhận nhiệm sở do chọn trường tư thục làm “bến đỗ” với thu nhập cao hơn. Đặc biệt, 2 môn tiếng Anh và Tin học năm nào cũng có nhu cầu tuyển dụng nhưng luôn thiếu ứng viên, trường phải tự xoay xở bằng cách ký hợp đồng với giáo viên thỉnh giảng.

Thầy Lại Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Lợi (huyện Bình Chánh), thông tin, cách đây 3-4 năm, trường tuyển dụng 5 giáo viên thì có khoảng 10 người nộp hồ sơ, nhưng hiện nay tuyển 5 vị trí chỉ còn 2-3 người nộp hồ sơ.

“Hầu hết giáo viên trúng tuyển vào trường đều có hộ khẩu tỉnh, hàng tháng phải trả tiền thuê nhà trọ. Để giữ chân giáo viên tiếng Anh, chúng tôi cố gắng hỗ trợ tiền thuê nhà cho giáo viên nhưng về lâu dài, chưa tính đến các đối tượng khác, thì sức trường không lo nổi”, thầy Tâm tâm tư.

Theo ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM), giáo viên tiểu học hiện nay phải hoàn thành số tiết nghĩa vụ/tuần cao hơn giáo viên bậc THCS và THPT. Từ năm học 2020-2021 đến nay, TPHCM có 219 cán bộ quản lý và 2.483 giáo viên tiểu học rời ngành, một nửa trong số đó chủ động xin nghỉ việc. Toàn thành phố hiện đang thiếu hơn 3.600 giáo viên tiểu học. Đội ngũ giáo viên hiện có phải choàng gánh khối lượng công việc cao hơn 25% so với quy định.

Bổ sung các chính sách hợp lý

Trăn trở với bài toán làm thế nào giữ chân đội ngũ nhà giáo, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, chia sẻ: “Chúng ta đề xuất phương án bổ sung định biên để giảm khối lượng công việc cho giáo viên tiểu học, nhưng liệu có định biên rồi thì tuyển dụng có khởi sắc? Một giải pháp khác là dồn sức xây trường để giảm sĩ số học sinh/lớp, giảm tải công việc cho giáo viên, nhưng lại phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khác như thiếu quỹ đất xây trường hoặc địa phương có đất nhưng không thực hiện được đền bù giải tỏa”.

Từ thực tế đó, đại diện Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp cho rằng, cải thiện thu nhập vẫn là biện pháp căn cơ để giữ chân đội ngũ nhà giáo. Nhà giáo này kiến nghị TPHCM tiếp tục duy trì Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý. Ngoài ra, để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, nhiều ý kiến đề xuất có thêm chính sách nhà ở giá rẻ cho giáo viên, nhất là ở khu vực ngoại thành, giúp các thầy cô an cư lạc nghiệp mới có thể gắn bó với nghề.

Về lâu dài, để giúp các trường giải quyết tình trạng “ăn đong” giáo viên, TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết, Bộ GD-ĐT đang xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ nhà giáo. Song song đó, ngành giáo dục sẽ thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập đủ điều kiện; đồng thời có chính sách khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp tham gia xã hội hóa để giảm bớt áp lực cho hệ thống trường công, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, từ nay đến năm học 2024-2025, cả nước cần tuyển thêm 6.621 giáo viên Tin học và 5.780 giáo viên Ngoại ngữ để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở cấp tiểu học. Để có thêm nguồn tuyển giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy của chương trình mới, các địa phương cần chủ động “đặt hàng” với các trường đại học để đào tạo mới giáo viên tiếng Anh, Tin học; kết hợp đào tạo liên thông trình độ đại học sư phạm đối với người đã tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp chuyên ngành tiếng Anh và Tin học.

Học sinh Trường Tiểu học Kỳ Đồng (quận 3, TPHCM) trong một hoạt động trong giờ ra chơi
Học sinh Trường Tiểu học Kỳ Đồng (quận 3, TPHCM) trong một hoạt động trong giờ ra chơi

* TS HUỲNH CÔNG MINH, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM: Đẩy mạnh nguồn lực đầu tư cho giáo dục

Đất nước nói chung và ngành giáo dục nói riêng đã và đang đổi mới rất nhiều so với giai đoạn trước đây. Trong đó, TPHCM là địa phương tiên phong, luôn đi đầu, tiếp cận sớm những cái mới. Vì vậy, việc định hình chân dung học sinh trong giai đoạn mới là cần thiết, trong đó cụ thể những tố chất, năng lực và phẩm chất gì đáp ứng sự phát triển của xã hội. Trên cơ sở đó, ngành giáo dục xây dựng kế hoạch cho những chương trình cụ thể, tính toán trong vòng 10-20 năm nữa cần bổ sung số lượng giáo viên như thế nào để “đặt hàng” các trường đại học đào tạo một cách bài bản. Trong chiến lược phát triển chung đó, xã hội hóa giáo dục cần có chỗ đứng phù hợp với vai trò là giải pháp mang tính đột phá để mở rộng trường lớp, đẩy mạnh các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Thành phố nên có chủ trương, chính sách giao đất xây trường rõ ràng, có giải pháp phát triển các trường tiên tiến hội nhập.

* Th.S LÊ NGỌC ĐIỆP, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM): Xã hội hóa buổi dạy thứ hai

Để giáo viên tiểu học sống được với nghề, nhà trường cần bố trí thời khóa biểu đảm bảo đúng số tiết dạy/tuần cho giáo viên. Số buổi mà giáo viên tham dự họp hành, dạy học vượt quá quy định cần được tính tiền phụ trội thật rõ ràng. Song song đó, trường học cần tạo điều kiện cho giáo viên làm việc tại trường như soạn bài giảng, chấm bài kiểm tra cho học sinh trong phòng làm việc được trang bị đầy đủ máy vi tính, thư viện sách giáo khoa, sách tham khảo và tài liệu đọc thêm liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt, trường học bố trí thêm phòng hoặc khu vực thư giãn cho giáo viên nghỉ ngơi những lúc mệt mỏi. Tôi cho rằng, việc tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý đi tham quan học tập kinh nghiệm từ các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới là cần thiết. Đơn cử, tại Singapore, phòng thư giãn cho giáo viên được bố trí máy nghe nhạc, trà, cà phê, bánh ngọt giúp thầy, cô “xả” bớt tâm lý tiêu cực, đồng thời tái tạo năng lượng sau những giờ dạy để đạt hiệu quả công việc cao hơn.

Ở phạm vi lớn hơn, tôi đề xuất xã hội hóa buổi dạy thứ hai, trường tiểu học không đạt chuẩn bán trú chỉ dạy học 1 buổi/ngày với sĩ số từ 30-35 học sinh/lớp. Theo đó, các trường dạy một buổi theo đúng chương trình giáo dục do Bộ GD-ĐT ban hành. Phụ huynh yên tâm về chuẩn kiến thức và kỹ năng mà học sinh được học nên không cần học thêm buổi thứ hai. Giáo viên tiểu học hoàn thành công việc ở trường có thể ký hợp đồng với các trung tâm chăm sóc học sinh, lương thỏa thuận theo trình độ, kinh nghiệm và uy tín của người dạy. Đây là thu nhập chính đáng của các thầy, cô sau khi hoàn thành trách nhiệm ở trường chính khóa. Trong đó, mô hình trung tâm chăm sóc học sinh tùy theo mức độ và nhu cầu của người học để triển khai chương trình học với các mức học phí khác nhau, như học ngoại ngữ, thi lấy bằng hoặc chứng chỉ quốc tế; sân chơi tập luyện thể dục thể thao; học các môn năng khiếu như Âm nhạc, Mỹ thuật, Kỹ năng sống, trải nghiệm thực tế; ôn tập kiến thức hoặc các hình thức học tập khác theo nhu cầu của phụ huynh, học sinh.

Ngoài ra, chính sách chăm lo đời sống cho giáo viên cần quan tâm các đối tượng đặc biệt như vợ chồng trẻ là giáo viên có nhu cầu cấp thiết về nhà ở, nhà giáo về hưu độc thân, bệnh tật không ai chăm sóc...

Tin cùng chuyên mục