Thành tựu ấn tượng của Việt Nam

Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, một thành tựu ấn tượng đối với một đất nước mà chỉ 20 năm trước đó còn chìm ngập trong nghèo đói và khủng hoảng kinh tế. Phóng viên Bill Hayton từ Hà Nội đã mở đầu bài viết như thế trên trang web BBC ngày 31-8.

Bài viết đề cập tới cuộc triển lãm về đời sống của người dân Việt Nam “Đêm trước đổi mới” đang diễn ra tại Viện Bảo tàng Dân tộc học tại Hà Nội. Hayton viết: “Những năm 1980, dưới nền kinh tế bao cấp, thực phẩm và mọi thứ đều được tính theo khẩu phần”. Ông Ngô Văn Đức, một khách tới xem triển lãm nhớ lại: “Thậm chí khi bạn có tiền, nếu muốn mua một chiếc xe đạp cũng phải chờ đến lượt”. Giám đốc Viện Bảo tàng Dân tộc học Nguyễn Văn Huy nói, ông muốn gửi tới người xem một thông điệp: Hệ thống bao cấp không còn hiện hữu. Hệ thống này đã hạn chế sức sáng tạo của người dân và làm cho cuộc sống khó khăn hơn. Người dân cần đổi mới để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thành tựu 20 năm đổi mới của Việt Nam thật to lớn. Tỷ lệ nghèo đói giảm một nửa, số người biết đọc tăng cao, tình trạng sức khỏe và mức sống của người dân được cải thiện rất rõ rệt. Tại một cửa hàng bán điện thoại di động, mỗi ngày bán được 10 chiếc với giá khoảng 2.200 USD.

Trong lĩnh vực du lịch, Hãng tin Bloomberg ngày 1-9 đưa tin: lượng du khách nước ngoài tới Việt Nam có thể tăng gấp đôi, lên mức 8 triệu vào năm 2010. Đất nước Đông Nam Á này thu hút nhiều hơn các nhà kinh doanh, các cựu chiến binh và Việt kiều từ Mỹ. Bloomberg dẫn lời tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nhà kinh tế kỳ cựu tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết lượng du khách tới Việt Nam năm nay có thể đạt 4 triệu lượt người. 

Trả lời phỏng vấn Blomberg, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói: “Nhiều người Mỹ gốc Việt muốn trở về, nhiều gia đình các cựu binh Mỹ muốn trở lại và một thế hệ mới ở Mỹ đang rất thích du lịch Việt Nam”. Bloomberg dẫn lời Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh nói: “Do điều kiện lịch sử, tại Mỹ, Việt Nam có vị trí đặc biệt. Đó là tiềm năng lớn trong việc thu hút người Mỹ tới Việt Nam”. Bà Ninh cho biết du khách Mỹ có số lượng đứng thứ hai sau Trung Quốc đến Việt Nam trong 7 tháng đầu năm.

Ngành du lịch phát triển sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện đạt mức trung bình 7,4% trong 10 năm qua. Triển vọng Việt Nam gia nhập WTO trong năm nay cũng sẽ cuốn hút làn sóng đầu tư kéo theo dòng khách doanh nhân.

Theo Bloomberg, ngành du lịch Việt Nam hiện nay vẫn còn nhỏ so với nhiều nơi trong khu vực. Năm 2005, Singapore thu hút 8,3 triệu du khách, Macau 18,7 triệu, Hồng Công 23,4 triệu. Theo ông Spencer White, Giám đốc chiến lược khu vực châu Á tập đoàn đầu tư Merrill Lynch của Mỹ thì “Việt Nam có cơ hội rất lớn để vượt lên dẫn đầu châu Á về thu hút du khách”.

Jonathan Pincus, nhà kinh tế kỳ cựu của Chương trình phát triển LHQ tại Hà Nội nói: “Du lịch là ngành công nghiệp lớn của Việt Nam. Là nguồn ngoại tệ lớn, tạo ra nhiều việc làm cho người dân, lao động có tính chuyên môn cao và mang tính bền vững”. Một trong những nỗ lực thu hút du khách, Việt Nam đã miễn thị thực nhập cảnh cho các du khách Hàn Quốc và Nhật Bản cùng các nước ASEAN.

VŨ MINH(Theo BBC, Bloomberg)

Tin cùng chuyên mục