Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Cơ quan hải quan dự báo năm 2023 tình hình xuất nhập khẩu có thể rất khó khăn, nên giữa hải quan và doanh nghiệp cần đối thoại cởi mở, thẳng thắn để vượt qua khó khăn này. 
Hội nghị đối thoại sáng 2-3 tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương

Hội nghị đối thoại sáng 2-3 tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương

Sáng 2-3 tại tỉnh Hải Dương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan và UBND của 4 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên và Quảng Ninh đã tổ chức “Hội nghị đối thoại: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu tại 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên”.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết, xuất nhập khẩu và thương mại quốc tế là một trong những động lực chủ chốt của nền kinh tế Việt Nam. Tính riêng trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đã đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021. Tổng thể trong năm 2022, Việt Nam đã xuất siêu khoảng 11,2 tỷ USD giá trị hàng hóa. Sản phẩm từ Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

“Nếu tính riêng tại 4 địa phương gồm: TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của doanh nghiệp tại khu vực này ước đạt xấp xỉ 46 tỷ USD, chiếm khoảng 12,3% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước” - ông Hoàng Quang Phòng thông tin.

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phát biểu khai mạc

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phát biểu khai mạc

Vì vậy, trong nhiều năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu, tăng cường tính minh bạch trong chính sách thương mại, đồng thời thiết lập các cơ chế để giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, như: triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thông quan, kiểm tra sau thông quan và giám sát hàng hóa. Cũng trong những năm gần đây, công tác rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được các bộ, ngành từng bước thực hiện.

Mặc dù ghi nhận nhiều bước tiến trong chính sách và thủ tục hành chính thời gian qua, nhưng theo ông Hoàng Quang Phòng, kết quả đánh giá “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu” do VCCI phối hợp với Tổng cục Hải quan và Dự án Tạo thuận lợi thương mại của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ công bố vào tháng 7-2021 cho biết, khoảng 38% doanh nghiệp còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính xuất nhập khẩu; khoảng 24% doanh nghiệp phản ánh tình trạng quy định hoặc chính sách pháp luật thay đổi thường xuyên gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các đại biểu tham dự cuộc đối thoại ngày 2-3

Các đại biểu tham dự cuộc đối thoại ngày 2-3

Vì vậy, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, hội nghị đối thoại ngày 2-3 hướng đến thúc đẩy sự tương tác trực tiếp và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan đến chính sách xuất nhập khẩu, tập trung vào việc tháo gỡ những khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp tại 4 tỉnh Đông Bắc bộ gồm TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên.

Sự kiện này cũng góp phần thực hiện thỏa thuận “Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông”. Đây là thỏa thuận quan trọng giúp phát huy các tiềm năng và điều kiện của 4 địa phương nằm trên trục cao tốc hướng đông, từ Hà Nội đến Hải Phòng và đến cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), tạo ra động lực xây dựng một khu vực năng động, hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Doanh nghiệp tới làm thủ tục hải quan để xuất nhập khẩu hàng hóa

Doanh nghiệp tới làm thủ tục hải quan để xuất nhập khẩu hàng hóa

Đại diện VCCI mong muốn các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tại khu vực này có những trao đổi thẳng thắn, kịp thời phản ánh những vướng mắc về chính sách xuất nhập khẩu trong thực tiễn để cơ quan hải quan kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ hiệu quả công tác cải cách hành chính và tạo thuận lợi cho thương mại trong thời gian sắp tới.

Tham gia hội nghị đối thoại, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Hoàng Việt Cường cho biết, 2 tháng đầu năm nay, các chỉ số xuất nhập khẩu và thu ngân sách nhà nước từ hoạt động hải quan cho thấy rất khó khăn. Thông qua hội nghị đối thoại này, cơ quan hải quan muốn lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường phát biểu

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường phát biểu

Đề cập một số giải pháp mà cơ quan hải quan đã triển khai thời gian qua để gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, ông Hoàng Việt Cường cho biết, Tổng cục Hải quan đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ, đồng thời Bộ Tài chính đã ban hành một số thông tư như Thông tư 47 để tháo gỡ một số khó khăn cho doanh nghiệp về thời điểm và thủ tục nộp C/O (hồ sơ chứng nhận xuất xứ), Thông tư 82 về tháo gỡ tình trạng ùn tắc tại một số cảng biển. Tổng cục Hải quan cũng đã trình dự thảo thông tư cho phép doanh nghiệp nợ một số chứng từ trong hồ sơ hải quan khi xuất nhập khẩu.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng cho biết, đến thời điểm này, cơ quan hải quan đã đạt được những chỉ tiêu đáng kể trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng chuyển đổi số để giảm thời gian thông quan cho doanh nghiệp, như: đến nay 100% thủ tục hải quan được tự động hóa, 99,8% số thu của hải quan đã được thực hiện qua hình thức thu thuế điện tử…

Cơ quan hải quan kiểm tra thủ tục và thực địa hàng xuất nhập khẩu

Cơ quan hải quan kiểm tra thủ tục và thực địa hàng xuất nhập khẩu

“Thời gian thông quan trung bình đối với hàng nhập khẩu năm 2022 là 36 giờ 14 phút 32 giây, giảm gần 19 phút so với năm 2021. Thời gian thông quan trung bình đối với hàng xuất khẩu năm 2022 là 2 giờ 43 phút 9 giây, giảm hơn 17 phút so với năm 2021” - ông Hoàng Việt Cường cho biết.

Tổng cục Hải quan cũng đã có chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự động tuân thủ các quy định và pháp luật về hải quan, bước đầu đã ký cam kết với 200 doanh nghiệp và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao chương trình này. Đây cũng là giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng dần tỷ lệ “luồng xanh”, giảm dần tỷ lệ “luồng vàng” và “luồng đỏ” trong kiểm soát xuất nhập khẩu.

Tin cùng chuyên mục