Sáng nay, 10-5, Quốc hội thảo luận về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2006

Thất thu tại “nhà giàu”!

Sáng nay, 10-5, QH thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2006.

Một nghịch lý trong thu ngân sách được ĐB Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) và ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) thẳng thắn nêu ra là trong khi nguồn thu từ thuế nông nghiệp (tạm gọi là thu từ “nhà nghèo”) đạt tới 130%, thì nhiều năm nay, số thu từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (ĐTNN) không đạt dự toán.

“Tôi có một câu hỏi đề nghị Bộ Tài chính làm rõ, trong khi nhiều  nguồn thu tăng thì  thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại thấp. Tại TPHCM, 70% DN có vốn nước ngoài thường xuyên khai lỗ để “né” thuế. Phải chăng ở đây có tình trạng chuyển giá? Cần có sự kiểm tra sát sao việc này, nếu không ngân sách Nhà nước luôn bị thất thu”, ông Trần Du Lịch yêu cầu.

ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) bổ sung: “Theo bản quyết toán này, ngay cả những tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước -“anh cả” của nền kinh tế – làm một năm không đủ trả nợ (tức là không bằng khoản bội chi ngân sách). Đó là việc rất đáng xem xét”.

Mối quan hệ ngân sách trung ương – địa phương cũng được nhiều ĐB phân tích, bình luận.

Tại buổi họp sáng nay, ĐB Trịnh Thị Giới (Thanh Hóa) nhận xét, việc thực hiện thu hồi các khoản bị xuất toán rất thấp, đặc biệt là ở khối các bộ ngành trung ương, thể hiện kỷ luật ngân sách chưa nghiêm. Tới đây, đề nghị  QH xem xét việc sử dụng ngân sách của một số bộ, cơ quan trung ương nữa chứ không chỉ xem xét báo cáo chung của chính phủ.

ĐB Lê Thị Dung (An Giang), Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh) nhận xét, mức chi ngân sách trong một số lĩnh vực rất thấp, trong khi lại là những lĩnh vực cần được ưu tiên như giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và các chương trình mục tiêu quốc gia. Điều này thể hiện khả năng sử dụng vốn hạn chế, nhưng cũng thể hiện sự bất hợp lý khi phân bổ ngân sách trong nội bộ ngành lĩnh vực.

Bà Kim Tiến bức xúc: “Dự án nào cần, đang hoạt động hiệu quả thì mạnh dạn đầu tư đủ kinh phí, không nhất thiết phải chia cho mỗi dự án một ít, rút cuộc là chỗ cần không có, chỗ có không cần”.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục