Mới đây, tại hội nghị bàn về thực trạng dạy và học tiếng Anh ở trường phổ thông để đảm bảo đầu ra do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức, một giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nêu thực tế có rất nhiều cử nhân tiếng Anh có học lực khá giỏi, đạt chuẩn trình độ nhưng ra trường không thể tìm được một chỗ dạy ở trường phổ thông. Một giáo sinh khoa Anh văn Trường Đại học Sư phạm TPHCM cầm tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc về địa phương với khát khao truyền lửa học ngoại ngữ cho thế hệ trẻ nhưng bị một trường THPT chuyên của tỉnh từ chối. Trong khi đó, nhiều địa phương, nhiều trường học cùng kêu cứu vì thiếu giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn, giảm chất lượng đào tạo môn ngoại ngữ.
Khảo sát trình độ giáo viên tiếng Anh ở bậc phổ thông trong cả nước, chỉ có chưa đầy 10% đạt chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu. Với mặt bằng trình độ, năng lực ngoại ngữ của giáo viên dạy tiếng Anh tệ như thế, đến bao giờ chúng ta mới có thể cải thiện được đầu ra theo chuẩn của học sinh phổ thông như mục tiêu đặt ra. Để có thể thực hiện được sứ mệnh đổi mới giáo dục thực sự thì chính quyền, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) các địa phương phải chủ động rà soát lại đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh, những trường hợp không đủ chuẩn nên cho họ nghỉ dạy hoặc chuyển đổi công việc khác. Trên thực tế, có nhiều giáo viên tiếng Anh lớn tuổi hoặc năng lực, tư duy hạn chế thì không thể bồi dưỡng hay cải thiện trình độ được. Nếu cứ đẩy họ đi tập huấn, bồi dưỡng thì chỉ tốn tiền, tốn thời gian. Vì thế, các trường học cần kiên quyết sắp xếp lại đội ngũ giáo viên không đạt chuẩn để tạo chỗ dạy mới cho giáo sinh học lực giỏi, đủ chuẩn dạy tiếng Anh theo yêu cầu đổi mới cách dạy - học môn ngoại ngữ. Ngoài ưu tiên tuyển dụng giáo viên dạy tiếng Anh đạt chuẩn, cần có chính sách ưu đãi, thu hút thêm người giỏi tiếng Anh, chuyên dạy kỹ năng giao tiếp, thực hành cho học sinh. Có như thế mới tạo ra môi trường học và thực hành tiếng Anh theo chuẩn, học xong biết sử dụng chứ không phải chỉ để thi cử.
Từ kết quả đáng báo động của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, “số thí sinh dự thi môn tiếng Anh chiếm đông nhất nhưng chỉ có phổ điểm thấp nhất, tập trung ở mức 2 - 3,5 điểm”, Bộ GD-ĐT và ngành giáo dục - đào tạo các địa phương cần phải có chính sách đột phá trong dạy và học tiếng Anh theo chuẩn. Đừng để học trò các cấp tiếp tục tốn thời gian học ngoại ngữ tiếng Anh nhưng không thể sử dụng, giao tiếp những câu đơn giản nhất.
Cánh cửa ngôi nhà chung ASEAN đã mở rộng và cơ hội việc làm, thu nhập cao chỉ đến với những ai có trong tay chìa khóa vàng - ngoại ngữ “vua” tiếng Anh - lẫn kỹ năng hội nhập tốt. Nếu chúng ta còn loay hoay với đề án ngoại ngữ quốc gia và viện ra đủ cái khó lẫn rào cản thì mục tiêu đổi mới dạy và học ngoại ngữ vẫn ì ạch như cũ. Và cái giá phải trả cho sự chậm trễ, thiếu giải pháp đồng bộ này là rất đắt, trong đó giới trẻ Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà, chứ đừng nói đến sự cạnh tranh với lao động nước khác năng động, giỏi tiếng Anh hơn.
LIÊN HÒA