Thế hệ bị đánh mất

“Chúng ta phải cảm thấy xấu hổ khi người dân Syria tiếp tục bị đẩy vào cảnh khốn cùng”, Tổng thư ký Ban Ki-moon đã tuyên bố như vậy khi đề cập đến việc tìm một lối thoát cho cuộc xung đột kéo dài hơn 4 năm qua tại Syria vào cuối tuần qua. Hàng trăm ngàn người thiệt mạng, hàng triệu người bị mất nhà cửa, di tản hay đe dọa an ninh trong khu vực là những điều được đề cập nhiều khi nói về cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế lơ là hoặc quên rằng tương lai của những đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột tại Syria cũng là vấn đề đáng phải lưu tâm

“Chúng ta phải cảm thấy xấu hổ khi người dân Syria tiếp tục bị đẩy vào cảnh khốn cùng”, Tổng thư ký Ban Ki-moon đã tuyên bố như vậy khi đề cập đến việc tìm một lối thoát cho cuộc xung đột kéo dài hơn 4 năm qua tại Syria vào cuối tuần qua. Hàng trăm ngàn người thiệt mạng, hàng triệu người bị mất nhà cửa, di tản hay đe dọa an ninh trong khu vực là những điều được đề cập nhiều khi nói về cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế lơ là hoặc quên rằng tương lai của những đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột tại Syria cũng là vấn đề đáng phải lưu tâm.

Hai báo cáo mới nhất về hoàn cảnh sống của trẻ em tại Syria khiến nhiều người không khỏi xót xa. Báo cáo đầu tiên về giáo dục của Viện thống kê thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) cho hay: Một quốc gia từng có tỷ lệ phổ cập tiểu học gần như trên cả nước và tỷ lệ xóa mù chữ lên đến hơn 90% từ 15 năm trước thì giờ đây, 1/3 trẻ em và 1/2 thanh thiếu niên không được cắp sách đến trường. Con số này đối với trẻ em tị nạn còn thê thảm hơn (khoảng 90%). Báo cáo nhấn mạnh giáo dục không chỉ giúp những đứa trẻ xoa dịu nỗi đau chiến tranh mà còn là chìa khóa cho sự phát triển, thịnh vượng và ổn định xã hội của mỗi quốc gia.

Những đứa trẻ sẽ làm gì khi không được đến trường? Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và Tổ chức Save the Children cho biết, những đứa trẻ đó hiện đang phải nai lưng kiếm sống. Số lao động trẻ em tại Syria và các trại tị nạn đang ở mức báo động. 3/4 số trẻ em tại quốc gia Trung Đông đang phải cùng cha mẹ kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Con số này ở các trại tị nạn là gần 50%. Một số trường hợp cụ thể đã được báo cáo đưa ra như bé Jumana (8 tuổi), làm việc tại một xưởng tái chế báo in, được trả công 3 USD/ngày. Ahmed, bé trai mới 13 tuổi nhưng phải làm mọi công việc nặng nhọc của thợ sửa xe tại một garage... Hầu hết trẻ em tại Syria nhận được tiền công từ 4 - 7 USD/ngày và làm việc 6 đến 7 ngày/tuần. Một cậu bé tên Ahmed khác (12 tuổi), tâm sự: “Cháu còn nhỏ và chỉ muốn được đến trường. Nhưng bây giờ, có thứ khác còn quan trọng hơn, đó là thực phẩm trên bàn ăn của gia đình. Cháu phải đi làm thôi”.

Tuy nhiên, những đứa trẻ như Jumana hay Ahmed được xem là may mắn. Nhiều em khác phải làm trong các nhà máy với môi trường làm việc độc hại để đổi lấy những đồng tiền công rẻ mạt. Nhưng đau đớn hơn cả là những đứa trẻ đang ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” phải bán dâm trong các nhà thổ hoặc đánh đổi mạng sống, gia nhập lực lượng phiến quân để có 400 USD/tháng. “Những đứa trẻ Syria gia nhập các lực lượng phiến quân, đứa thì canh các chốt kiểm tra, đứa thì được đào luyện để đánh giáp lá cà và kể cả đánh bom liều chết” - báo cáo viết. Philippe Duhamel, đại diện UNICEF tại Thổ Nhĩ Kỳ, cho hay: “Chúng ta đang cần đến sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế hơn bao giờ hết. Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ huy động được mọi lực lượng để chặn đứng việc biến những đứa trẻ này thành cả một “thế hệ bị đánh mất”. Nếu không, hậu quả nghiêm trọng với Syria sẽ lan ra khu vực cũng như toàn thế giới nói chung”.

MINH CHÂU

Tin cùng chuyên mục