Thế hệ Gen Z vì sao bị than phiền?

Khi nói đến thế hệ Gen Z (sinh ra từ năm 1995 - 2012, sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ hiện đại) là người ta thường nghĩ đến những bạn trẻ đầy năng động, tự tin, sẵn sàng đối mặt với thử thách.

Tuy nhiên, bên cạnh những nét tính cách tích cực đó, nhiều nhà tuyển dụng cũng than phiền thế hệ này vì những hiện tượng như đi trễ giờ hẹn, tác phong, thái độ tự tin thái quá… Vì sao các em thuộc thế hệ Gen Z lại có những cách ứng xử, thái độ như thế?

Trước hết, chúng ta cần xét đến những điều kiện xã hội, bối cảnh xã hội. Thế hệ Gen Z là một thế hệ được sinh ra trong giai đoạn mà các yếu tố về kinh tế, công nghệ, quá trình toàn cầu hóa đều ở mức tốt hơn hẳn so với các thế hệ trước đây. Từ đó, suy nghĩ, thái độ và quan niệm sống của các em cũng có sự khác biệt rất lớn. Khi quan sát sơ bộ về thế hệ Gen Z hiện nay, nhiều chuyên gia xã hội học, tâm lý học bước đầu nhìn nhận rằng, các em đang bị tác động rất mạnh từ các yếu tố xã hội bên ngoài cũng như từ các bạn đồng trang lứa hơn là từ phía gia đình hay thầy cô như các thế hệ trước đây. Bên cạnh đó, đa số các em thuộc thế hệ Gen Z đều được sinh ra trong gia đình ít con, được hưởng thụ sự chăm chút, yêu thương của cả gia đình. Đối với những đứa trẻ này, người ta nhận thấy cha mẹ rất khó hoặc ngại áp đặt những kỷ luật, giới hạn cho con mình, dần dần biến con cái thành những người chỉ làm những gì mình thích. Và, khi đi học, thầy cô cũng khó thay đổi được lối suy nghĩ này của các em.

Trong một bối cảnh xã hội và gia đình như thế, rõ ràng vai trò của trường đại học (ĐH) trong việc đào luyện, uốn nắn sinh viên là rất quan trọng. Nhưng, hiện nay nhiều trường ĐH, nhất là các trường ĐH tư hoặc tự chủ tài chính, lại luôn ưu ái cho sinh viên vì chính sinh viên là người nuôi dưỡng nguồn thu cho nhà trường. Từ đó, những giảng viên áp dụng những nguyên tắc kỷ luật nghiêm túc trong giảng dạy thường sẽ không nhận được sự hài lòng từ sinh viên, nguy cơ bị nhà trường thay thế bằng giảng viên khác để làm hài lòng sinh viên. Bối cảnh xã hội hiện nay rất khó thay đổi, nên cần sự thay đổi đến từ quan niệm giáo dục con cái của các gia đình và quan niệm về giáo dục, đào tạo con người của trường học. Nếu cả hai môi trường gia đình và trường học đều chỉ thỏa mãn nhu cầu, sở thích của con cái và người học mà không dám áp dụng những phương pháp giáo dục mang tính kỷ luật cao thì rất khó thay đổi cách ứng xử, thái độ của thế hệ Gen Z cũng như các thế hệ tương lai.

Tin cùng chuyên mục