Nhật Bản lên án hành vi của Trung Quốc ở biển Đông

Trong báo cáo quốc phòng thường niên đưa ra ngày 21-7, Nhật Bản đã nhấn mạnh đến mối đe dọa từ Trung Quốc vì đã làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Báo cáo được đưa ra  khi chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang thuyết phục công chúng về sự cần thiết để sửa đổi luật an ninh nhằm tăng cường vai trò của lực lượng phòng vệ Nhật Bản.
Nhật Bản lên án hành vi của Trung Quốc ở biển Đông

Trong báo cáo quốc phòng thường niên đưa ra ngày 21-7, Nhật Bản đã nhấn mạnh đến mối đe dọa từ Trung Quốc vì đã làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Báo cáo được đưa ra  khi chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang thuyết phục công chúng về sự cần thiết để sửa đổi luật an ninh nhằm tăng cường vai trò của lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Tàu đổ bộ lớp Bison của Trung Quốc được cho là đã tham gia tập trận ở biển Đông.

Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản điểm mặt Trung Quốc

Báo cáo quốc phòng của Nhật Bản (còn gọi là Sách Trắng quốc phòng) bị trì hoãn hơn một tuần do Thủ tướng Shinzo Abe yêu cầu bổ sung các hoạt động hàng hải đơn phương của Trung Quốc, kể cả việc khai thác dầu khí ở biển Hoa Đông. Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Abe đang thúc đẩy Thượng viện thông qua đạo luật an ninh (đã được Hạ viện thông qua) cho phép lực lượng phòng vệ của Nhật Bản chiến đấu trong các cuộc xung đột ở nước ngoài ngay cả khi Nhật Bản không bị tấn công, đồng thời mở rộng vai trò của lực lượng này trong gìn giữ hòa bình quốc tế.

Trong báo cáo quốc phòng dày 429 trang nói trên, Trung Quốc đứng đầu danh sách các vấn đề an ninh của Nhật Bản, chiếm 1/3 chương nói về xu hướng an ninh toàn cầu. Báo cáo nhấn mạnh rằng nhìn chung, nguy cơ an ninh của Nhật Bản đã trở nên tồi tệ ngoài các vấn đề liên quan đến Trung Quốc còn có mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên và mối đe dọa khủng bố từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Báo cáo nêu lên quan ngại về công tác cải tạo đảo gần đây của Trung Quốc ở biển Đông, nói rằng điều này đã làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Cụ thể: “Trung Quốc, đặc biệt là trong các vấn đề xung đột hàng hải, tiếp tục hành động một cách quyết đoán, bao gồm cả nỗ lực cưỡng chế để thay đổi hiện trạng và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đơn phương của mình mà không cần thỏa hiệp”.

Báo cáo yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay việc xây dựng các cơ sở hạ tầng trên biển dùng cho mục đích quân sự ở cả biển Hoa Đông và biển Đông. Báo cáo quốc phòng của Nhật Bản còn lên án Trung Quốc tăng ngân sách quân sự hiện nay cao hơn 41 lần so với năm 1989.

Phản ứng trước báo cáo quốc phòng của Nhật Bản ngay từ khi còn ở dạng phác thảo hồi đầu tháng 7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng: “Các hoạt động có liên quan của Trung Quốc ở trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc mà không có bất kỳ tranh chấp nào. Các cáo buộc của Nhật Bản là vô căn cứ và Trung Quốc không chấp nhận yêu cầu bất hợp lý của Nhật Bản”.

Bắc Kinh tập trận đổ bộ ở biển Đông

Ngày 21-7, báo Inquirer của Philippines dẫn nguồn từ Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV) phát ngày 20-7, cho thấy Hải quân Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn chuyên đổ bộ ở biển Đông giữa lúc căng thẳng tăng cao trong khu vực.

Theo CCTV, cuộc tập trận với sự tham gia của một lữ đoàn đổ bộ, quân đoàn biển, lực lượng đổ bộ và các đơn vị trực thăng hải quân. Đặc biệt, tàu đổ bộ lớp Bison được cho là lớn nhất thế giới đã được triển khai lần đầu tiên trong cuộc tập trận này. Loại tàu này mỗi chiếc có thể mang theo 3 xe tăng hạng nặng, hoặc 10 xe bọc thép với 140 binh sĩ trên tàu, CCTV đưa tin. CCTV đã không xác định khu vực cụ thể của cuộc tập trận.

Trong khi đó, báo chí Trung Quốc đã có phản ứng mạnh sau khi Mỹ tuyên bố vừa tuần tra biển Đông cuối tuần qua. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho đăng thông báo trên tờ Nhân Dân nhật báo ngày 21-7 rằng: “Trong một thời gian dài, tàu và máy bay quân sự Mỹ đã thực hiện giám sát thường xuyên, rộng rãi và rất gần Trung Quốc, làm tổn hại nghiêm trọng sự tin tưởng lẫn nhau và lợi ích an ninh của Trung Quốc, trong đó có thể dễ dàng gây ra một tai nạn trên biển hoặc trên không”. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng hòa bình, ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương là lợi ích của tất cả các bên, đồng thời thúc giục Mỹ phải nỗ lực nhiều hơn “để duy trì hòa bình và ổn định và giữ lời hứa của Washington không đứng về bên nào trong vấn đề biển Đông”.

Phản ứng trên được đưa ra sau khi Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ), cho biết lực lượng Mỹ đã có thêm chuyến bay giám sát bằng máy bay P-8A Poseidon.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục