
Sài Gòn lúc tôi rời xa còn gọi là Bicylette-ville, thưa dân, phố vắng, nhiều khu nhà ổ chuột, phố chưa có nhiều nhà cao tầng. Sài Gòn khi tôi về, 30-4-1975, là Honda-ville, phố phường nhỏ lại, chật hơn vì cao ốc mọc nhiều.
Ngoài niềm vui náo nức nhìn cờ bay phố thị, rờ rỡ tươi vui trong ánh mắt, tâm hồn mọi người xen lẫn chút âu lo ngấm ngầm của bà con họ hàng tôi ở Sài Gòn. Tôi có nỗi vui thầm lặng của người học trò cũ đi xa trở về căn gác trọ thời niên thiếu.
Nam nữ sinh viên Sài Gòn lúc bấy giờ như cao to, đẹp đẽ, văn minh, thanh lịch hơn thời thế hệ sinh viên chúng tôi. Họ hăng hái cố bỏ qua mặc cảm thân phận gia đình nếu có, lao ra đại lộ, đường phố đi thu gom giấy vụn làm vở học trò; ồn ào hát ca, hô hào vận động bài trừ mại dâm ma túy trong các hẻm phố khu Bàn Cờ, Khánh Hội; hớn hở đi làm việc nghĩa, việc thiện; thậm chí họ còn đi phá rào kẽm gai trạm cảnh sát, dẹp các bót gác dân phòng, tháo bỏ chướng ngại vật trên đường phố, thu gom quân nhu quân dụng mà lính tráng bỏ lại.
Họ khuân vác tủ lạnh, máy giặt, những bộ sa-lông đắt tiền vất bừa bãi khắp nơi mang về trụ sở Ban quân quản còn trống trải. Con trai mặc quần loe để tóc dài, con gái áo dài trắng thướt tha, trên cánh tay đeo băng đỏ, hiên ngang đứng gác ngã tư đường phố. Hai bên những con lộ đá xanh, đá đỏ tỏa dài ra ngoại ô, nhà nhà treo cờ đỏ sao vàng, cờ nửa xanh nửa đỏ, bàn hương án treo ảnh Bác Hồ nghi ngút khói nhang dọc dài trước cửa mỗi nhà.
Nhớ lời Bác viết trong Di chúc: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên, nhi đồng yêu quý của chúng ta”. Vâng, những bàn hương án treo ảnh Bác Hồ từ trung tâm phố thị ra ngoại ô, từ Sài Gòn về đất mũi Cà Mau.
Qua vùng tứ giác Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, đâu đâu tôi cũng chứng kiến, thấu hiểu tâm trạng kính nhớ, hoài mong đón Bác vô Nam. Điều đó trở thành tín ngưỡng thiêng liêng của đồng bào miền Nam, những người chưa được thấy mặt Bác Hồ.
Trong ngày hòa bình đầu tiên, đồng bào bày bàn hương án trước cửa nhà, đón Bác vô Nam vì đồng bào Nam bộ yêu kính Bác Hồ như thánh nhân. Rất nhiều nơi lập đền thờ Bác ngay trong thời chiến tranh.

Các văn nghệ sĩ trong ngày vui đại thắng 30-4-1975, tại Dinh Độc Lập.
Tôi nhớ dạo đó dân Sài Gòn nô nức đi xem phim, xem văn nghệ cách mạng. Thành phố có 50 rạp chiếu bóng, mà rạp nào khán giả cũng rồng rắn xếp hàng mua vé xem phim. Đài Truyền hình thành phố liên tục chiếu phim tài liệu Việt Nam, thể hiện những ngày chiến thắng.
Khi toàn thế giới hướng về những sự kiện lớn trong những ngày tháng 4 năm 1975 ở Sài Gòn, thì ngoài những giờ trực tiếp đi làm phim tài liệu thời sự nóng hổi ban ngày, ban đêm tôi và đạo diễn Xuân Thành ngồi lì trong phòng dựng phim số 15 đường Thi Sách, xem những thước phim anh em phóng viên đã quay trên các chiến trường miền Nam, từ trước 30-4-1975, lúc đó vẫn chưa được sử dụng.
Thời điểm này có quá nhiều sự kiện trọng đại diễn ra từng ngày ở Sài Gòn mà thế giới quan tâm. Đông đảo phóng viên các hãng thông tấn, báo chí nổi tiếng nước ngoài còn trụ lại ở Sài Gòn.
Những thước phim được ghi trên đường tiến quân vào Sài Gòn, từ Khu 6 cực Nam Tây Nguyên, Lâm Đồng, Đà Lạt rồi Phước Long, Bình Long, Sông Bé, Tây Ninh, Tiền Giang, Long An… chưa cất lên tiếng nói. Xuân Thành và tôi thức trắng đêm, trằn trọc suy tính. Cuối cùng, được sự đồng ý của anh Mai Lộc, 2 anh em giao việc theo dõi các sự kiện lớn cho người khác, tập trung thực hiện bộ phim tài liệu “Theo chân anh giải phóng về Sài Gòn”.
Trong khi mọi người sử dụng máy Aryflex hiện đại của Trung tâm Điện ảnh Sài Gòn cũ, xài phim 35 ly, máy ghi âm, âm thanh đồng bộ, thậm chí có cả phim màu thì có một phim tài liệu đen trắng 16 ly, ghi hình từ các máy quay cầm tay trên các chiến trường, là bộ phim “Theo chân anh giải phóng về Sài Gòn” của Xuân Thành và Lê Văn Duy, đã kịp ra mắt đồng bào Sài Gòn cuối tháng 5-1975.
Bây giờ bình tâm nhớ lại và suy nghĩ, sau biết bao biến động thời cuộc, khi tuổi đã cao, nghĩ về phim tài liệu “Theo chân anh giải phóng về Sài Gòn” mà trên générique phim có ghi tên gần như toàn bộ anh em phóng viên Xưởng phim Giải Phóng thực hiện.
Ngoài nội dung phim góp thêm tiếng nói của giới điện ảnh miền Nam về chiến thắng vĩ đại của dân tộc, riêng với tôi bộ phim này còn là sự tri ân đồng đội, những nghệ sĩ chiến sĩ đánh đổi xương máu, sinh mạng mình cho ngày chiến thắng. Với một người đã và đang viết trường thiên tiểu thuyết về thế hệ mình như tôi, đó cũng là ký ức đẹp một thời hào hùng, về những ngày tháng Tư lịch sử 1975 khó nhạt phai
LÊ VĂN DUY