Thí sinh lo lắng cho bài thi tổ hợp sau ngày đầu tiên "khó nhằn"

Sáng 29-6, tại điểm thi THPT Gò Vấp (quận Gò Vấp, TPHCM), nhiều thí sinh cho biết khá lo lắng khi bước vào bài thi tổ hợp sau khi kết thúc ngày thi đầu tiên (hôm qua) không như ý.
Các em tranh thủ ôn bài trước khi lên phòng thi. Ảnh: THU TÂM
Các em tranh thủ ôn bài trước khi lên phòng thi. Ảnh: THU TÂM

Ghi nhận của PV Báo SGGP cho thấy, từ 6 giờ sáng đã có thí sinh có mặt tại điểm thi.

Phạm Trần Anh Vũ, học sinh lớp 12B, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Gò Vấp cho biết, em dự thi hai môn Lịch sử và Địa lý trong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội.

Trong đó, thí sinh này đặt nhiều quyết tâm và tự tin ở bài thi môn Lịch sử do đã ôn tập kỹ, riêng môn Địa lý em cho biết sẽ tận dụng tối đa công dụng của Atlat. Năm nay, Anh Vũ đăng ký xét tuyển các môn Toán - Ngữ văn - tiếng Anh.

Thí sinh lo lắng trước giờ thi bài thi tổ hợp. Ảnh: THU TÂM

Thí sinh lo lắng trước giờ thi bài thi tổ hợp. Ảnh: THU TÂM

Tương tự, với Phạm Doanh Doanh, học sinh lớp 12A12, Trường THPT Nguyễn Trung Trực, em cho biết kinh nghiệm đạt điểm tốt các môn thi thuộc tổ hợp Khoa học xã hội là đọc kỹ đề thi 3 lần để xác định đúng trọng tâm câu hỏi.

Ở môn Địa lý, thí sinh này chia sẻ: "Atlat là cứu cánh duy nhất đối với bạn nào lỡ quên kiến thức. Ngược lại, dù nắm chắc kiến thức thì các bạn cũng không nên chủ quan mà nên phát huy tối đa dữ liệu được cung cấp trong Atlat Địa lý".

Đặc biệt, Doanh Doanh tiết lộ, trong trường hợp không biết chọn đáp án nào em sẽ sử dụng phương pháp loại trừ đáp án, lựa chọn nào khác biệt nhất so với những câu còn lại sẽ có nhiều khả năng là đáp án chính xác.

Cán bộ coi thi đọc tên thí sinh vào phòng thi tại điểm thi THPT Gò Vấp. Ảnh: THU TÂM

Cán bộ coi thi đọc tên thí sinh vào phòng thi tại điểm thi THPT Gò Vấp. Ảnh: THU TÂM

Đối với tổ hợp Khoa học tự nhiên, Quang Huy, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Gò Vấp, cho biết: "Em làm chắc khoảng 30 câu hỏi đầu tiên của đề thi, sau đó thì... hên xui. Kinh nghiệm luyện giải đề thi của em là mỗi đáp án (a, b, c, d) có xác suất xuất hiện từ 8-12 lần trong đề thi. Vì vậy nếu một đáp án nào đó đã xuất hiện quá nhiều lần ở các câu hỏi trước thì em sẽ cân nhắc lựa chọn những phương án còn lại".

Với Nguyễn Thị Mai Gương và Vũ Quốc Việt, học sinh lớp 12A14, Trường THPT Nguyễn Trung Trực, kinh nghiệm làm bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên là chú ý việc đổi đơn vị trong môn Vật lý. Ở môn Sinh học, các em đều cho biết phải đọc kỹ đề vì đề thi thường cho nhiều dữ liệu rối.

Thí sinh và cán bộ coi thi xác nhận bì thư đựng phiếu trả lời trắc nghiệm vẫn còn niêm phong. Ảnh: THU TÂM

Thí sinh và cán bộ coi thi xác nhận bì thư đựng phiếu trả lời trắc nghiệm vẫn còn niêm phong. Ảnh: THU TÂM

Sáng nay, thí sinh bước vào giờ thi 3 môn tổ hợp thuộc một trong 2 tổ hợp gồm Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Thời gian làm bài mỗi môn thi là 50 phút.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, toàn thành phố có 47.039 thí sinh dự thi môn Vật lý, 47.336 thí sinh dự thi môn Hóa học và 46.953 thí sinh dự thi môn Sinh học.

Ở tổ hợp Khoa học xã hội, có 36.754 thí sinh dự thi môn Lịch Sử, 36.573 thí sinh dự thi môn Địa lý và 29.083 thí sinh dự thi môn Giáo dục công dân.

Hầu hết các em đều cho biết sẽ dồn sức cho bài thi tổ hợp (buổi sáng) và môn thi Ngoại ngữ (buổi chiều) sau khi kết thúc ngày thi đầu tiên - hôm qua (28-6) với kết quả không như ý do đề thi có độ phân hóa cao.

Tin cùng chuyên mục