Thí sinh than “khó” với đề thi môn Lịch sử

Sáng nay 27-6, các thi sinh đã hoàn thành bài thi cuối cùng trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 với bài thi tổ hợp Khoa học xã hội với 3 môn thành phần là Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Đa số thí sinh nhận xét đề thi môn Lịch sử năm nay khó hơn mọi năm.

>> Gợi ý đáp án bài thi môn Lịch sử

>> Gợi ý đáp án bài thi môn Giáo dục công dân

>> Gợi ý đáp án bài thi môn Địa lý

Sáng 27-6, thí sinh cả nước thi buổi thi cuối cùng Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 với bài thi tổ hợp Khoa học xã hội với 3 môn thành phần là Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Số lượng thí sinh đăng dự thi bài thi tổ hợp này là 495.713 thí sinh. Tính theo từng môn thi thành phần, Lịch sử có 573.113 thí sinh; Địa lý có 565.613 thí sinh; Giáo dục công dân có 495.801 thí sinh.

Số lượng thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp xã hội đông hơn khá nhiều so với bài thi khoa học tự nhiên. Nhiều thí sinh cho rằng, với hình thức thi trắc nghiệm thì các môn Khoa học xã hội sẽ dễ “ăn điểm” hơn.

Tại Hà Nội, kết thúc bài thi cuối Kỳ thi THPT Quốc gia 2019, tại điểm thi trường THPT Lương Thế Vinh, các thí sinh được hỏi cho biết đề thi môn Lịch sử rất khó, trong khi đó 2 môn còn lại tương đối "dễ thở".

Là một trong những thí sinh ra sớm tại điểm thi trên, thí sinh Lê Mai Phương thi khối D, xét tuyển vào Trường Đại học Ngoại thương, cho rằng đề Lịch sử khó nhất, mỗi câu hỏi một dạng. Các đề còn lại tương đối dễ và học sinh trung bình có thể giải quyết tốt kiến thức trong đề.
Thí sinh than “khó” với đề thi môn Lịch sử ảnh 1 Thí sinh thoải mái rời trường thi với buổi thi cuối cùng tại điểm thi THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội. Ảnh:  ĐỖ TRUNG

Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Hà My, học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, dự thi và đăng ký nguyện vọng vào khoa Kinh tế đối ngoại, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội cho rằng, đề ở mức độ trung bình, các mức độ khó vừa phải, giống năm 2018.

“Môn Địa lý năm nay đề hỏi nhiều câu về chủ quyền biển; Lịch sử hỏi rất chi tiết, trong các môn em đều dư khoảng 15 phút để xem lại đáp án mình có tô nhầm hay không”, My chia sẻ.

Vui mừng khi bước ra khỏi điểm thi, thí sinh Lê Hồng Quân, Trường Chuyên sư phạm Hà Nội đánh giá, môn Lịch sử “khó ăn” nhất, bởi có nhiều kiến thức lớp 11 trong đề. “Các môn em canh giờ đều dư thời gian để kiểm tra lại bài, có 2-3 câu hỏi về chủ quyền biển đảo trong môn Địa lý, đề cũng không bắt học sinh phải liên hệ nhớ đến chính trị xã hội mà thuần về địa lý. Môn Địa lý và Giáo dục công dân em nghĩ mình phải được 7-8 điểm, trong khi đó môn Lịch sử chỉ khoảng 4-5 điểm”, thí sinh này cho hay.

Thí sinh than “khó” với đề thi môn Lịch sử ảnh 2 Khi được hỏi, một số thí sinh cho biết, kiến thức trong đề thi Lịch sử sáng nay rất khó lấy điểm cao, ngược lại, 2 môn Địa lý và Giáo dục công dân dễ hơn. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Ghi nhận của phóng viên tại điểm thi này cho thấy, phần lớn các thí sinh tham gia bài thi Khoa học Xã hội chủ yếu là nữ, một số thí sinh nam đăng ký khối D. Là một trong những thí sinh nam ít ỏi, em Nguyễn Đức Toàn, học sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành, đăng ký xét tuyển vào Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định, đề thi môn Lịch sử năm nay rất khó vì nhiều câu hỏi về chiến dịch Mỹ thực hiện tại Việt Nam, hai môn còn lại dễ hơn.

“Một số câu về Lịch sử thế giới cũng rất khó trả lời. Môn Địa lý chúng em có công cụ hỗ trợ trong phòng thi là cuốn Atlats nên không có gì khó khăn, một số vấn đề thực tế trong đề có thể suy ra được, vấn đề này cũng không khó lắm”, Toàn chia sẻ và cho biết, cả 3 môn em đều thừa thời gian để kiểm tra lại.

* Tại TPHCM,  có mặt tại điểm thi THCS Đống Đa (quận Bình Thạnh), ghi nhận cho thấy các thí sinh đều thoải mái sau khi rời phòng thi.
Lê Tấn, học sinh lớp 12A10, Trường THPT Hoàng Hoa Thám cho biết, em thấy đề thi môn Lịch sử khó nhất trong 3 môn thi sáng nay do có nhiều câu hỏi vận dụng kiến thức. Riêng với môn Địa lý em tự tin đạt 7-8 điểm do nhiều câu đề gần như cho không điểm thí sinh qua yêu cầu sử dụng Atlat. Môn Giáo dục công dân khá cân bằng giữa các câu hỏi kiến thức và tình huống, tuy nhiên nếu không thuộc bài, thí sinh vẫn có thể suy luận được.
Thí sinh than “khó” với đề thi môn Lịch sử ảnh 3 Các thí sinh vui mừng sau khi hoàn thành môn thi cuối cùng trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Còn Lê Ngọc Phương Linh, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Trần Văn Giàu cho rằng, nhìn chung 3 môn thi thuộc tổ hợp khoa học xã hội năm nay dễ thở hơn so với năm ngoái. Trong đó, môn Lịch sử tuy có nhiều câu hỏi vận dụng thực tế nhưng học sinh nắm vững kiến thức, kết hợp thêm đọc tài liệu tham khảo vẫn có đạt 6-7 điểm.
Còn Trần Minh Tiến, học sinh lớp 12B1, Trường THPT Trần Hưng Đạo cho biết với môn Giáo dục công dân có khoảng 10 câu hỏi xử lý tình huống. "Mỗi bạn có thể suy luận khác nhau nhưng đối với em đây lại là những câu dễ kiếm điểm", Minh Tiến bày tỏ.
Thí sinh này cũng cho biết, môn Địa lý em có nhiều thời gian dư nhất nên hoàn thành bài thi khá sớm, trong khi môn Lịch sử có nhiều câu hỏi phải vận dụng kiến thức bên ngoài mới có thể xử lý được. 
* Tại Vĩnh Long, em Nguyễn Thị Nhung, học sinh Trường THPT Trưng vương (TP Vĩnh Long)  đề thi của 3 môn xã hội hôm nay khá dễ, em tự tin đậu tốt nghiệp. Riêng các môn thi hôm nay, Giáo dục công dân em làm được tầm 9 điểm, Địa lý được 7 điểm, còn lại môn Lịch sử thì hơi khó, “em làm được khoảng 20 câu, 20 câu còn lại hơi khó, ngoài sự hiểu biết của em”, nhưng cũng đạt điểm trên trung bình.
Thí sinh ĐBSCL tự tin đậu tốt nghiệp THPT  100%. Ảnh: TÍN HUY
Em Võ Trần Duy Khang, học sinh Trường THPT Trưng Vương (TP Vĩnh Long) cho biết, năm nay em không xét tuyển đại học, em chỉ mong muốn đậu tốt nghiệp THPT. Với đề thi 3 môn hôm nay nằm trong khả năng của em, nên bài thi của em sẽ đạt điểm trên trung bình. Nhưng theo em, môn Lịch sử năm nay khá dễ ở 20 câu đầu, các câu còn lại kiến thức nâng cao nên em không dám chắc.
Thí sinh than “khó” với đề thi môn Lịch sử ảnh 5 Thí sinh trúng tủ đề thi môn Địa lý. Ảnh: TÍN HUY
Với ước mơ trở thành nữ điều dưỡng để chăm sóc cho bệnh nhân, Em Nguyễn Ngọc Hân học sinh Trường THPT Trưng Vương cho cho biết: “Đề thi vừa sức học sinh, nhưng em chỉ sợ môn Lịch sử, 2 môn còn lại thì em đoán mình được 7 điểm trở lên”.
Thí sinh than “khó” với đề thi môn Lịch sử ảnh 6 Các thí sinh vui mừng sau khi hoàn thành môn thi cuối cùng kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: TÍN HUY

* Tại Cần Thơ, thí sinh Dương Thanh Thủy, tại điểm thi trường THCS Lương Thế Vinh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết, đề các môn Khoa học tự nhiên năm nay khá dài, nhất là môn Lịch sử và Địa lý, hầu như em không có đủ thời gian để nghiền ngẫm nhiều các câu hỏi. Đề thi phân hóa cũng khá rõ ràng, khoảng 20 câu đầu tương đối dễ, nhưng càng về sau càng khó. Em chỉ tự tin làm khoảng 50% - 60% các môn.

Em Huỳnh Thị Hồng Ngọc cho biết, đề Sử khá dài và tương đối khó, nhất là phần lịch sử thế giới, em không hy vọng được điểm cao môn này. Riêng về môn Giáo dục công dân và Địa lý em nghĩ mình sẽ đạt điểm cao hơn, khoảng 6 điểm đến 7 điểm.

Tại Cần Thơ, ở môn thi cuối cùng này có 126 thí sinh vắng thi và có 1 thí sinh vi phạm quy chế.

Thí sinh than “khó” với đề thi môn Lịch sử ảnh 7 Thí sinh Cần Thơ cho biết đề các môn xã hội dài. Ảnh: TUẤN QUANG

Sáng 27-6, ở buổi thi cuối cùng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã kiểm tra công tác thi tại tỉnh Hà Nam. Học viện Mật mã và Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Hà Nội là 2 trường đại học được phân công phối hợp tổ chức thi tại Hà Nam.

Thí sinh than “khó” với đề thi môn Lịch sử ảnh 8 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ thị sát công tác thi ở Hà Nam. Ảnh: PHAN THẢO
Tại điểm thi THPT B Thanh Liêm, thầy Nguyễn Đức Mạnh, giáo viên trường THPT C Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cán bộ giám sát tại điểm thi THPT B Thanh Liêm cho biết qua 3 ngày thi, điểm thi không có thí sinh vi phạm.

“Chúng tôi dặn dò thí sinh rất kỹ, các em đều nhận thức cao về tầm quan trọng của kỳ thi, không vi phạm kỷ luật”, thầy Nguyễn Đức Mạnh nói.

Trong khi đó, thầy Bùi Đức Thiện, Hiệu trưởng trường THPT B Duy Tiên, trưởng điểm thi THPT B Thanh Liêm cho biết, công tác giám sát được triển khai chặt chẽ, bám sát quy chế; Công tác thi diễn ra đúng quy chế; Phát đề thi rất cẩn thận, không để nhầm mã đề thi tổ hợp, vì 3 môn tổ hợp thì mỗi thí sinh phải cùng mã đề thi.

Tại điểm thi ở trường THPT chuyên Biên Hòa, tỉnh Hà Nam, trưởng điểm thi cũng báo cáo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, không có thí sinh, cán bộ vi phạm quy chế thi. Công tác niêm phong bài thi được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, tuân thủ các quy định của Bộ GD-ĐT. Đây cũng là nơi chấm bài thi của tỉnh Hà Nam.

Năm nay, tỉnh Hà Nam đã đầu tư gần 2 tỷ đồng trang bị các thiết bị để bảo đảm cho công tác chấm thi.

Thí sinh than “khó” với đề thi môn Lịch sử ảnh 9 Thí sinh hoàn  tất kỳ thi 2019. Ảnh: PHAN THẢO
Bà Đinh Thị  Lụa, Giám đốc  Sở GD-ĐT tỉnh Hà Nam cho hay, năm nay Hà Nam có 8.621 thí sinh dự thi. Ngay từ đầu, Sở GD-ĐT tỉnh đã tham mưu cho tỉnh thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, tỉnh có thông báo đến tất cả các sở ban ngành tăng cường cho kỳ thi, cùng với sự vào cuộc của toàn dân để bảo đảm kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Các lực lượng phối hợp đầy đủ, mỗi điểm thi có 7 cán bộ công an bảo vệ.
Đến thời điểm này, kỳ thi ở Hà Nam diễn ra an toàn, đúng quy chế, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT là đặt quyền lợi thí sinh lên trên hết, bám sát quy chế, không giấu giếm bất kỳ thông tin nào.
“3 ngày thi diễn ra ở Hà Nam không có vấn đề, nhất là về giao thông, tỉnh chỉ đạo nếu thí sinh vi phạm vẫn để các cháu đi thi, xử lý sau”, bà Lụa cho hay.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu  Độ cho hay, năm nay ngành giáo dục quyết tâm tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, khách quan, trung thực. Bộ tổ chức các đoàn kiểm tra ở rất nhiều địa phương nhằm bảo đảm một kỳ thi trung thực.
“Chúng tôi nhận thấy các địa phương vào cuộc rất sâu sát, quyết liệt, ví dụ tỉnh Hà Nam. Không khí trường thi nghiêm túc, không căng thẳng”, ông Độ nói.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, thi - kiểm tra - đánh giá là việc bình thường của hoạt động giáo dục, nhưng với sự cố gian lận thi cử xảy ra trong năm 2018 đã khiến kỳ thi trở thành vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Do đó, năm nay, Thủ tướng, Chính phủ, Bộ GD-ĐT chỉ đạo phải tổ chức kỳ thi nghiêm túc, trung thực, khách quan, bảo đảm không có tiêu cực. Mọi chỉ đạo đều rất sâu sát, các địa phương vào cuộc quyết liệt, đó là điều rất tốt của kỳ thi năm nay. Đặc biệt, năm nay có một điểm mới là các điểm thi đều phải có nhật ký thi, ghi lại toàn bộ những diễn biến tại điểm thi.
Kỳ thi đã hoàn tất khâu làm bài, sau đây là việc bảo mật bài thi và tổ chức chấm thi, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu tổ chức thi, coi thi đã tốt rồi thì tới đây khâu chấm thi càng phải tốt hơn. Mỗi vị trí từ cán bộ giáo dục, giám thị, công an, y tế, đều phải làm hết trách nhiệm của mình thi kỳ thi sẽ thành công, không xảy ra tiêu cực.
"Đến thời điểm này rồi nhưng cũng tuyệt đối không chủ quan, bảo đảm không xảy ra sơ suất”, ông Nguyễn Hữu Độ nói.
Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Bằng cũng lưu ý, sau đây công tác bàn giao, bảo mật đề thi phải hết sức cẩn trọng, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Qua kiểm tra cho thấy, công tác bảo mật được làm rất tốt, các phòng bảo mật bài thi đều có camera giám sát, có lực lượng an ninh bảo vệ nghiêm ngặt.

Tin cùng chuyên mục