Thị trường chứng khoán thế giới khởi sắc

Ngày 29-11, hãng Reuters đưa tin hầu hết chỉ số chứng khoán trên thế giới tăng điểm, trong đó các chỉ số chứng khoán trên thị trường phố Wall đạt mức cao nhất từ tháng 3-2018 sau khi giới đầu tư hoan nghênh bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell, trong đó ám chỉ rằng sẽ không tăng lãi suất thêm nữa.
Nhà đầu tư tại phố Wall phấn khởi khi thị trường chứng khoán tăng điểm
Nhà đầu tư tại phố Wall phấn khởi khi thị trường chứng khoán tăng điểm

Mức lãi suất thị trường mong muốn

Trong phiên giao dịch mở đầu ngày 29-11, chỉ số chứng khoán FTSE của Anh tăng 0,5%, DAX của Đức tăng 0,6% và CAC của Pháp tăng 0,65%. Còn tại châu Á, thị trường chứng khoán của Australia tăng 0,6%, chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 0,4%. Tuy nhiên, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc lại giảm 1%. Trong khi đó, chốt phiên giao dịch ngày 28-11, trên thị trường phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jone tăng 2,5%, mức cao nhất từ tháng 3 vừa qua. Chỉ số tổng hợp S&P tăng 2,3%, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq cũng tăng 3%. Các mã chứng khoán trọng điểm sụt giảm gần đây như của Apple và Boeing tăng lần lượt là 3,9% và 4%.

Trước đó, trong phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York, Chủ tịch Jerome Powell đã cho thấy lập trường trung lập của mình khi tuyên bố mức lãi suất hiện vẫn ở mức thấp trong lịch sử, nhưng chỉ thấp dưới một chút so với mức trung lập - tỷ lệ không giúp kích thích cũng như không kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo nhà kinh tế Gregori Volokhine, thuộc cơ quan tài chính Meeschaert, việc Chủ tịch FED nhận định mức lãi suất hiện nay ở mức gần trung lập là điều mà thị trường mong muốn.

Tuyên bố này của ông Jerome Powell được xem là mang tính “cầu hòa” bởi hồi tháng trước ông từng tuyên bố rằng cần phải trải qua một chặng đường dài trước khi lãi suất chuẩn ở mức trung lập. Tuyên bố này của người đứng đầu FED đã gây nên làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán do giới đầu tư lo ngại việc tăng lãi suất với tốc độ quá nhanh sẽ làm suy giảm nền kinh tế.

Gây tổn hại nền kinh tế Mỹ

Tuy nhiên, không phải chuyên gia kinh tế nào cũng cho rằng tuyên bố của Chủ tịch FED mang yếu tố thay đổi cuộc chơi. Ông Ian Shepherdson, nhà kinh tế trưởng của Pantheon Macroeconomics, cho rằng các thị trường bị phát biểu của ông Jerome Powell chi phối. Nhưng với tình hình thực tế, ngân hàng trung ương sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài tăng lãi suất và theo ông Shepherdson, FED sẽ còn 3 đợt tăng lãi suất tới để đạt mức trung lập.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích ông Jerome Powell về vấn đề tăng lãi suất. Lần gần đây nhất, ngày 27-11, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Washington Post, ông Donald Trump cho rằng việc tăng lãi suất cùng một số chính sách khác của FED đang gây tổn hại nền kinh tế Mỹ. Tổng thống Mỹ bày tỏ sự không hài lòng về việc bổ nhiệm ông Jerome Powell, đồng thời cho rằng FED đi sai đường.

Hiện tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ ở mức 3,7%, thấp nhất kể từ năm 1969. Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ Mỹ, số việc làm trong tháng 10 vừa qua đã tăng thêm 250.000 và mức lương trung bình tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong gần 10 năm. Trong quý 3 vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ là 3,5% sau khi đạt 4,2% trong quý trước đó. Tuy nhiên, xu hướng này làm dấy lên lo ngại tỷ lệ lạm phát gia tăng. Để kiềm chế lạm phát, FED dự kiến tăng lãi suất 3 lần nữa vào năm 2019 sau khi tăng lần thứ 4 từ đầu năm đến nay sau khi giữ nguyên lãi suất ở mức 2%-2,25% trong cuộc họp ngày 7 và 8-11 vừa qua. Một số chuyên gia kinh tế dự báo trong năm tới, FED chỉ tăng lãi suất 2 lần nữa, song cũng có ý kiến cho rằng FED khả năng sẽ quyết định nâng lãi suất 4 lần nữa để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh kinh tế Mỹ duy trì đà tăng trưởng mạnh và thị trường việc làm sôi động.

Tin cùng chuyên mục