Trước đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, Việt Nam có cơ hội rất cao được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi loại 2 của FTSE, do đã thỏa mãn 8/9 điều kiện tiên quyết để được nâng hạng. BVSC cho rằng, việc được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng là một tin tốt tác động tích cực đến tâm lý thị trường.
Theo tiêu chí của FTSE, kể cả khi đã thỏa mãn 9/9 điều kiện tiên quyết thì Việt Nam vẫn sẽ phải nằm trong danh sách theo dõi ít nhất 1 năm. Còn theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), sau khi vào danh sách theo dõi, Việt Nam cần 1-2 năm để chính thức nâng hạng tùy vào mức độ cải thiện. Các cổ phiếu có tiềm năng lọt vào nhóm vốn hóa lớn gồm: VIC, VHM, VNM; nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa: MSN, HPG, VRE, BVH, NVL…
Thị trường chứng khoán Việt Nam với cơ hội được nâng hạng sẽ là động lực để các cơ quan quản lý tiếp tục cải cách, nâng cấp thị trường đạt tiêu chí FTSE và MSCI, tác động tích cực đến tâm lý thị trường và dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài.
* Ngày 27-9, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, tính đến ngày 20-9, đã có 346/366 doanh nghiệp niêm yết trên HNX công bố đầy đủ báo cáo tài chính soát xét bán niên đúng hạn. Căn cứ vào số liệu báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm của các tổ chức niêm yết, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết HNX là 9.025 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, 288 doanh nghiệp lãi đạt hơn 9.555 tỷ đồng, 58 doanh nghiệp lỗ 530,2 tỷ đồng. Các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp có kết quả kinh doanh tốt nhất với 91 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, giá trị lãi đạt 1.768 tỷ đồng, tiếp đến là ngành xây dựng với 54 doanh nghiệp với 786 tỷ đồng và ngành bất động sản có 13 doanh nghiệp lãi 705 tỷ đồng...