Thị trường đồ chơi trẻ em sản phẩm Việt kém sức cạnh tranh

Chọn mua đồ chơi cho trẻ có chất lượng và giá thành phù hợp đang là vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm vì trên thị trường tràn lan sản phẩm đồ chơi chất lượng kém. 
Thị trường đồ chơi trẻ em hấp dẫn cơ hội kinh doanh
Thị trường đồ chơi trẻ em hấp dẫn cơ hội kinh doanh

Đồ chơi chất lượng giá cao

Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 20% dân số là trẻ em trong độ tuổi từ 0 - 14. Đây là phân khúc tiêu dùng đầy tiềm năng, đặc biệt là thị trường đồ chơi cho trẻ. Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm đồ chơi bình dân có nguồn gốc không rõ ràng, chất lượng không đảm bảo an toàn cho trẻ đang chiếm hơn 70% thị phần. Còn lại các thương hiệu đồ chơi cao cấp được nhập khẩu từ các nước phát triển nhưng có giá thành khá cao. 

Dạo quanh các cửa hàng bán đồ chơi trẻ em ở khu vực quận 1, quận 3, quận 5… trên địa bàn TPHCM, dễ dàng tìm thấy các loại đồ chơi cho trẻ như: đồ chơi giáo dục, đồ chơi nghề nghiệp, đồ chơi điều khiển từ xa, đồ chơi gỗ, đồ chơi mô hình, xếp hình... Thậm chí, có những cửa hàng chuyên kinh doanh đồ chơi nhập ngoại của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như lắp ráp Lego của Đan Mạch; búp bê Barbie, xe HotWheels thuộc tập đoàn Mattel của Mỹ; đất nặn Play-Doh của Mỹ; thương hiệu đất nặn Let’s của Thổ Nhĩ Kỳ; đất nặn Tuti Frutti của Canada; đồ chơi nấu ăn Just For Chef của Hồng Công… Bên cạnh đó, người mua còn có thể tìm thấy các thương hiệu đồ chơi Việt Nam xuất khẩu như Anto, Toy Bricks, Blocks… 

Nhân viên một cửa hàng đồ chơi trẻ em trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận) cho biết, giá của sản phẩm khá đa dạng, từ vài chục ngàn cho tới vài triệu đồng/món đồ chơi. Nếu là thương hiệu nhập khẩu có tiếng thì giá cao, thấp nhất cũng vài trăm ngàn đồng/sản phẩm; còn sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc có giá rẻ hơn với đủ chủng loại. Theo nhân viên này, những khách hàng có điều kiện kinh tế thường mua sản phẩm nhập của Đan Mạch, Mỹ… hoặc của doanh nghiệp có tiếng tại Việt Nam sản xuất. 

Có thể thấy, thị trường đồ chơi rất đa dạng, nhưng để chọn lựa được sản phẩm chất lượng, giá cả phải chăng lại không nhiều. Chính vì thế, phụ huynh rất mong có nhiều thương hiệu đồ chơi xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đạt an toàn và giá thành phải chăng để họ có nhiều sự lựa chọn cho con em mình.

Ít sản phẩm giá tốt, mẫu đẹp 

Đến nay, thị trường đồ chơi cũng có nhiều doanh nghiệp Việt sản xuất, như Công ty Nhựa Chợ Lớn, Công ty Thiết bị đồ chơi giáo dục Văn Minh, Công ty ANTONA, hay nhựa Long Thủy, Đại Đồng Tiến… Gần đây, trong quý 1-2019, N KID Group cũng chính thức gia nhập “sân chơi”  nhiều tiềm năng này. Dù ngày càng có nhiều thương hiệu trong nước tham gia sản xuất đồ chơi cho trẻ nhưng nhìn chung sản phẩm của các doanh nghiệp Việt vẫn chưa thực sự tìm được chỗ đứng bền vững. 

Nguyên nhân do các doanh nghiệp sản xuất mẫu mã chưa đa dạng. Người tiêu dùng cũng chưa phân biệt được đâu là hàng sản xuất trong nước với hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Thậm chí, nhiều khách hàng không quan tâm xuất xứ của sản phẩm, vô tình tạo điều kiện cho sản phẩm đồ chơi không an toàn chiếm lĩnh thị trường. Từ đó, dẫn tới hàng trong nước khó cạnh tranh, không tìm được chỗ đứng trên thị trường. 

Theo giới chuyên gia, nếu so với đồ chơi của Việt Nam sản xuất, đồ chơi nhập từ Trung Quốc có giá thành rẻ hơn, nhiều mẫu mã bắt kịp thị hiếu của trẻ em. Với chiến lược tốc độ và giá thành rẻ, các nhà sản xuất Trung Quốc đã thắng thế ở thị trường Việt Nam, bỏ xa các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trong nước.  

Với chiến lược của doanh nghiệp Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt cảm thấy hụt hơi. Như chia sẻ của các doanh nghiệp, để sản xuất được một sản phẩm mới, doanh nghiệp Việt phải mất khoảng thời gian khá dài. Cụ thể, công đoạn nghiên cứu mẫu từ 3 - 6 tháng và mất thêm 3 tháng để có được sản phẩm hoàn chỉnh. Đó là chưa kể tới việc phải mất thời gian kiểm định chất lượng, làm chứng nhận cũng như định kỳ kiểm tra... trước khi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Dù tuân thủ quy định về kiểm tra tính an toàn, nhưng những quy trình này vô tình khiến đồ chơi Việt trở nên kém sức cạnh tranh, trong khi hàng nhập, nhất là hàng Trung Quốc liên tục cập nhật mẫu mới trên thị trường. 

Thị trường tiêu dùng sản phẩm đồ chơi phủ rộng từ thành thị đến nông thôn. Tuy nhiên, do giá cao nên sản phẩm Việt chỉ có thể quanh quẩn ở khu vực các thành phố lớn. Còn lại, thị trường nông thôn vẫn đang bỏ ngỏ cho sản phẩm nhập khẩu giá rẻ.

Phát hiện hàng ngàn đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc

Thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), vừa qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái - Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh - đã phát hiện, tạm giữ lô hàng hơn 2.000 sản phẩm đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc chứa trong 16 thùng carton, tập kết ở một bãi đất trống. Đồ chơi các loại gồm búp bê, con quay, ô tô, khủng long, đèn nháy… với tổng trị giá lô hàng là 65,88 triệu đồng, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. 

Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, người vận chuyển lô hàng khai nhận, ông ta được thuê chở lô hàng này từ phường Trần Phú, TP Móng Cái ra bến xe khách Móng Cái để chuyển về các tỉnh tiêu thụ. Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và tiêu hủy lô hàng nhập lậu trên theo quy định của pháp luật. 

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay tại khu vực nông thôn và cả thành thị, sản phẩm đồ chơi được bày bán dưới nhiều hình thức, chất lượng sản phẩm không được quản lý, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em. Người mua đồ chơi cho trẻ cũng khá dễ tính, gần như không yêu cầu các giấy tờ và tìm hiểu về xuất xứ. Hiện tại, chỉ những đồ chơi cho trẻ sơ sinh mới được người mua quan tâm đến tính an toàn của sản phẩm vì trẻ có tập tính hay ngậm vào miệng. Còn lại, đa phần người mua sản phẩm đồ chơi chủ yếu dựa vào tâm lý yêu thích của trẻ. 

THÀNH PHƯỚC

Tin cùng chuyên mục