Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

Hơn 15 năm thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập, hồi hương các liệt sĩ và chuyên gia Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia, cán bộ, nhân viên Đội K72 thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước đã quy tập được 2.376 hài cốt liệt sĩ đưa về đất mẹ Việt Nam. Thật khâm phục và ấn tượng với những con người luôn vượt qua khó khăn gian khổ trong hành trình “Đi tìm đồng đội” để đưa các liệt sĩ hy sinh trên đất bạn về nước.
Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

Hơn 15 năm thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập, hồi hương các liệt sĩ và chuyên gia Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia, cán bộ, nhân viên Đội K72 thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước đã quy tập được 2.376 hài cốt liệt sĩ đưa về đất mẹ Việt Nam. Thật khâm phục và ấn tượng với những con người luôn vượt qua khó khăn gian khổ trong hành trình “Đi tìm đồng đội” để đưa các liệt sĩ hy sinh trên đất bạn về nước.
 
Trở về sau gần 38 năm

Tháng 11-2009, Đội K72 chúng tôi đón 2 nhân chứng Việt Nam sang Campuchia để cùng đi tìm hài cốt liệt sĩ gồm anh Nguyễn Hữu Bá, trung tá quân đội về hưu (là em trai của liệt sĩ Nguyễn Hữu Thưởng) và anh Lương Ngọc Khuyến, đồng đội của liệt sĩ Nguyễn Hữu Thưởng (quê quán tại xã Đức Vĩnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, hy sinh ngày 20-12-1971, thuộc đơn vị giao liên Đại đội 27, Tiểu đoàn 240, Cục Hậu cần Miền). Anh Khuyến cho biết, đồng đội Thưởng hy sinh và được chôn cất tại khu vực rừng Ô Chom thuộc phum Cô, xã Ben Cha, huyện Sầm Pô, tỉnh Kratie.

Ngay sau khi hành quân đến vị trí trên, chúng tôi vừa khảo sát, đào tìm vừa nắm thêm thông tin từ các người dân ở khu vực này, nhất là những người lớn tuổi đã từng sinh sống lâu năm tại đây. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nhân chứng biết khu vực chôn mộ trong khu rừng.

Cán bộ, nhân viên Đội K72 tổ chức quy tập mộ liệt sĩ tại phum Vêu, xã Pi Thơ Nu, huyện Sa Nuôl, tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia

Sau gần 1 tuần tổ chức đào tìm, đơn vị đã quy tập tại khu rừng trên được 3 bộ hài cốt liệt sĩ được gói trong tăng cẩn thận, còn nhiều xương răng nhưng ngặt nỗi không liệt sĩ nào có tên để xác định được danh tính. Để xác định đâu là liệt sĩ Thưởng, anh Bá (em trai liệt sĩ Thưởng) đã làm đơn mượn mỗi mộ 1 cái răng để về nước xét nghiệm ADN. Sau 3 tháng hồi hộp chờ đợi kết quả xét nghiệm, chúng tôi nhận được tin vui từ gia đình anh Nguyễn Hữu Bá thông báo, qua xét nghiệm tại Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam thì ngôi mộ thứ 2 (ở giữa trong 3 ngôi mộ) chính là mộ của anh Nguyễn Hữu Thưởng. Gia đình sau đó đã đưa kết quả xét nghiệm đến để nhận bộ hài cốt trong mộ và trả lại mẫu răng ở 2 ngôi mộ còn lại để an táng tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Phước. Toàn đội chúng tôi hòa chung niềm vui, bởi đã gần 38 năm nằm lại trên đất Campuchia, liệt sĩ Nguyễn Hữu Thưởng đã về với đất mẹ Việt Nam.

Day dứt với những bộ hài cốt vô danh

Cuối tháng 4-2010, Đội K72 tiếp tục quy tập 4 mộ liệt sĩ tại ngầm D6, gần đồn Chơng Khơ Leng, thuộc xã Pi Thơ Nu, huyện Sa Nuôl, tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia. Địa điểm tìm thấy 4 phần mộ liệt sĩ cách bờ sông Măng (biên giới giữa Việt Nam và Campuchia) khoảng 600m về phía Bắc trên sườn đồi. Điều đặc biệt, trong số 4 mộ liệt sĩ có 1 mộ khi chôn 2 chân liệt sĩ xoãi ra (khác biệt so với thời gian 9 năm quy tập trước đó được hơn 1.800 mộ quy tập, tất cả 2 chân của liệt sĩ đều được chôn chụm lại).

Chính điều đặc biệt này nên ngay sau khi tìm được 4 phần mộ, đơn vị đã thông tin ngay trên Báo QĐND vào tháng 5-2010 với tiêu đề “Tìm đồng đội đã an táng 4 liệt sĩ tại tọa độ 24-82.8, tỉnh Kratie, Campuchia”. Ngay sau khi báo đăng, Đội K72 đã nhận được rất nhiều điện thoại hỏi về khu mộ trên và người gọi điện thoại nhiều nhất là vợ chồng anh Quách Tuấn Nghĩa và chị Quách Thị Thủy ở xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Qua các cuộc nói chuyện, vợ chồng anh Nghĩa cho biết, qua thông tin báo đăng, gia đình anh đã đưa ngay bài viết cho bác Lê Đình Oanh, người cùng làng và cũng là đồng đội của liệt sĩ Quách Văn Hậu (bố của anh Nghĩa) thuộc Đoàn 340, Cục Hậu cần Miền. Bác Oanh là đồng đội mà bấy lâu nay gia đình anh Nghĩa vẫn dựa vào để tìm kiếm hài cốt bố mình.

Đọc xong bài báo bác Oanh khẳng định đúng vị trí, đúng địa điểm chôn cất và khẳng định chắc chắn liệt sĩ Quách Văn Hậu là 1 trong số 4 hài cốt vừa được Đội K72 quy tập. Sau đó gia đình anh Nghĩa vào gặp Đội K72 mượn mẩu xương của các liệt sĩ để đi xét nghiệm ADN.

Hơn 2 tháng sau, ngày 15-10-2010, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) có kết luận: “Trong số 4 mẫu hài cốt được giám định AND, có hài cốt của liệt sĩ Quách Văn Hậu, sinh năm 1946, nhập ngũ tháng 12-1966, hy sinh năm 1970, đơn vị khi hy sinh thuộc Trung Đoàn 92, Đoàn 340, Cục Hậu cần Miền”. Gia đình anh Nghĩa đã đem hài cốt bố mình về Phú Thọ an táng.

Các thành viên Đội K72 tổ chức quy tập mộ liệt sĩ tại khu vực ngầm D6, đồn Chơng Khơ Leng, xã Pi Thơ Nu, huyện Sa Nuôl, tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia

Chia vui với gia đình anh Nghĩa sau 40 năm đã tìm được hài cốt của người thân, nhưng điều chúng tôi day dứt là vẫn còn 3 bộ hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính, nên tiếp tục thông tin trên Báo QĐND vào ngày 17-12-2010.

Một thời gian sau khi báo đăng, gia đình cô Lê Ngọc Bền, cư trú tại số 26, đường Lưu Xuân Tín, phường 10, quận 5, TPHCM truy cập trên mạng đọc được thông tin, cô Bền đã cung cấp thông tin cho bác Trần Minh Đức - nguyên Tiểu đoàn trưởng A99, Phòng Tình báo, Bộ Tham mưu B2 (cư trú tại số 45/6, đường số 5, phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM) là thủ trưởng của liệt sĩ Lê Thị Ngọc Ánh - em ruột của cô Lê Thị Bền.

Cầm thông tin về các liệt sĩ trên tay, bác Trần Minh Đức xúc động cho biết, năm 1970 trên đường hành quân vào chiến dịch, liệt sĩ Lê Thị Ngọc Ánh bị sốt rét ác tính, đơn vị đưa về điều trị tại Bệnh viện K30 - Cục Hậu cần Miền. Trên đường đi, do bệnh nặng và kiệt sức, nữ chiến sĩ Ánh đã tử vong và được đồng đội chôn cất trên triền đồi ngầm D6, như thông tin bài báo đã đưa. Bác Đức khẳng định trong 3 mộ còn lại, chắc chắn có mộ của liệt sĩ Lê Thị Ngọc Ánh.

Lòng như mở cờ, gia đình cô Bền lên gặp Đội K72 để nắm thêm thông tin, sau đó liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước mượn 3 mẩu xương còn lại tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Phước để về xét nghiệm ADN.

Sau hơn 3 tuần hồi hộp chờ đợi, ngày 8-8-2012, Phân viện Pháp y quốc gia xác định trong 3 mẩu xương có 1 mẫu của liệt sĩ Lê Thị Ngọc Ánh, sinh năm 1952, quê quán Châu Phú, Châu Đốc, An Giang, nhập ngũ tháng 4-1967 và là chiến sĩ quân báo thuộc đơn vị A99, Phòng Tình báo Bộ Tham mưu B2, hy sinh ngày 18-8-1970 do sốt rét ác tính trên đường hành quân. Nhận được giấy thông báo kết quả, không kịp về nhà, mắt cô Bền nhòe đi, giọng nghẹn lại khi điện thoại thông báo kết quả với Đội K72 chúng tôi. Vậy là cô đã tìm được em gái sau 42 năm mong mỏi trông chờ.

Góp phần xoa dịu nỗi đau

Cùng đi tìm hài cốt liệt sĩ với cán bộ và nhân viên Đội K72, các đồng đội và thân nhân các liệt sĩ như anh Bá, anh Khuyến, anh Nghĩa, cô Bền… cho biết, mỗi khi họ được cùng đi tìm hài cốt người thân cùng thành viên Đội K72 đều để lại trong họ nhiều kỷ niệm và ấn tượng khó phai về những con người luôn sẵn sàng giúp đỡ và tạo mọi điều kiện cho họ trong việc sớm tìm lại được người thân, đồng đội. Những con người luôn tận tụy với công việc thầm lặng, dù phải vượt qua nhiều khó khăn vất vả nhưng không hề nản lòng, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng cao cả mà Đảng, Nhà nước và quân đội giao cho, thực sự tô thắm thêm danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” mà nhân dân đã tin yêu, trao tặng. Với họ, thực hiện nhiệm vụ vừa thể hiện trách nhiệm, góp phần xoa dịu phần nào nỗi đau của hàng vạn, hàng chục vạn gia đình liệt sĩ trên toàn dải đất Việt Nam thân yêu đang từng ngày, từng giờ chờ tin chồng, cha, con suốt hàng chục năm qua, để đón các anh, các chị về với đất mẹ Việt Nam.

Thượng tá LÊ HUY CHUNG
(Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước)

Tin cùng chuyên mục