Tác giả, đạo diễn sân khấu

Thiếu hay thừa?

Thiếu hay thừa?

Sân khấu ở TPHCM vẫn luôn sáng đèn. Ngoài các đơn vị nghệ thuật nhà nước như Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội, Nhà hát Kịch TPHCM, còn có các sân khấu, nhóm cải lương xã hội hóa: Kịch Phú Nhuận, Kịch Sài Gòn, IDECAF, “Hội ngộ tài năng”, “Thắp sáng niềm tin”, “Những dấu ấn không phai”... Mỗi năm, các sân khấu này dàn dựng khoảng trên dưới 50 vở diễn khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay, đội ngũ tác giả, đạo diễn thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa.

  • Tác giả nhiều nhưng chỉ dựng lại vở cũ!

Từ cuối năm 2004, khi Việt Nam chính thức tham gia Công ước Berne về quyền tác giả, các sân khấu ở TPHCM gần như không chọn bất kỳ kịch bản của tác giả nước ngoài nào đưa lên sàn tập. Đây là một cơ hội rất lớn cho các tác giả Việt Nam thể hiện năng lực của mình.

Thiếu hay thừa? ảnh 1

Cảnh trong vở “Điệu nhảy cuối cùng” do đạo diễn trẻ Hồ Minh Thương dàn dựng.

Đội ngũ sáng tác hiện tập trung ở TPHCM khá đông, với những tên tuổi như: Viễn Châu, Lê Duy Hạnh, Trương Huyền, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Thu Phương, Phạm Hữu Thông, Lê Bình, Nguyễn Thanh Bình, Thanh Hương, Mỹ Dung, Đức Hiền, Thanh Hoàng, Hoàng Song Việt, Tô Thiên Kiều, Vương Huyền Cơ... Nhưng không hiểu sao lâu nay các sân khấu ở thành phố chỉ chuyển thể từ tác phẩm tiểu thuyết hay dựng lại những vở cũ?

Ví như “Cô gái ăn cắp” chuyển thể từ tiểu thuyết “Bỉ võ” của nhà văn Nguyên Hồng, “Làm đĩ” được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Vũ Trọng Phụng; “Em và ngôi sao”, “Cõi tình”, “Những giai điệu hoa hồng”, “Ngôi nhà của những linh hồn”... là những vở cũ dựng lại.

Ở lĩnh vực cải lương, một số nhóm sân khấu xã hội hóa cũng dựng, diễn lại những vở cũ như: “Tình mẫu tử” của tác giả Viễn Châu, “Thanh Xà-Bạch Xà” của tác giả Hoàng Song Việt...

Không ai phủ nhận những cái hay trong tác phẩm cũ, nhưng rõ ràng một nền sân khấu mà cứ sống hoài với cái cũ thì thật đáng lo ngại. Đạo diễn Công Ninh – người được Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần chọn dựng lại hai vở kịch cũ “Cõi tình” và “Những giai điệu hoa hồng” - tỏ ra lo lắng: “Sân khấu đang rất thiếu tác giả viết kịch bản mang hơi thở thời đại, cho nên chúng tôi cứ tìm kịch bản cũ dựng lại. Nếu kéo dài một thời gian nữa sân khấu thành phố sẽ khủng hoảng kịch bản!”

  • Đạo diễn: chỉ có vài “tên tuổi”?

Thiếu hay thừa? ảnh 2

Mỹ Uyên (phải) và Việt Hà trong vở “Người đàn ông của trời” do đạo diễn trẻ Đức Thịnh dàn dựng.

Hiện nay, các sân khấu của thành phố chỉ có vài tên tuổi đạo diễn quen thuộc như: NSND Doãn Hoàng Giang, NSƯT Trần Minh Ngọc, Trần Ngọc Giàu, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Thành Lộc, Hoa Hạ, Vũ Minh, Ái Như, Thanh Hoàng, Hùng Lâm, Công Ninh...

Những đạo diễn trẻ hầu như vắng bóng trong khi hàng năm riêng Trường Cao đẳng Sân khấu-Điện ảnh TPHCM có 10-15 đạo diễn trẻ tốt nghiệp ra trường. Nhà giáo Ưu tú Hà Quang Văn – Hiệu trưởng nhà trường nhìn nhận: “Mỗi năm có chừng ấy sinh viên học đạo diễn tốt nghiệp ra trường, nhưng quả thật cơ hội cho các em đến với các sân khấu thật quá ít. Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, những đạo diễn trẻ muốn chen chân vào các sân khấu để được đầu tư dàn dựng tác phẩm không phải đơn giản...”.

Ở lĩnh vực sân khấu cải lương, lực lượng đạo diễn lại càng hạn chế hơn, bởi lâu nay, gần như không có một đạo diễn cải lương nào được đào tạo bài bản. Thế hệ đạo diễn tên tuổi như NSND Doãn Hoàng Giang, NSƯT Trần Minh Ngọc, Đoàn Bá, Trần Ngọc Giàu, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Hoa Hạ... đều từ sân khấu kịch nói chuyển sang.

Còn các đạo diễn như NSND Diệp Lang, NSƯT Thanh Thanh Tâm, nghệ sĩ Kim Tử Long... thì hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm của hàng chục năm làm diễn viên. NSND Diệp Lang - người từng đạo diễn thành công khá nhiều vở diễn trên sân khấu cải lương như “Tô Ánh Nguyệt”, “Tình mẫu tử” - cho rằng: “Cải lương xưa nay chưa hề chú trọng đến việc đào tạo đội ngũ đạo diễn. Chúng tôi tham gia công tác dàn dựng chủ yếu là do lâu năm đứng trên sân khấu. Còn tương lai, tôi nghĩ sân khấu cải lương rất cần những người được đào tạo qua trường lớp đạo diễn...”.

  • Cơ hội nào cho tác giả, đạo diễn trẻ?

Những trường hợp đạo diễn trẻ “nổi lên” như Đức Thịnh với một số vở diễn được đánh giá thành công nhất định như “Sâm đắng, sâm ngọt”, “Người đàn ông của trời”, “Giấc mơ điện ảnh”, “Em và ngôi sao”, “Chuyện tình mùa thu”… không phải là nhiều.

Thiếu hay thừa? ảnh 3

NSƯT Ngọc Giàu (trái) và NSƯT Lệ Thủy trong vở cải lương “Tình mẫu tử” do NSND Diệp Lang dàn dựng.

Còn đạo diễn trẻ Hồ Minh Thương được biết đến với vở “Điệu nhảy cuối cùng” trên sân khấu Trường Cao đẳng Sân khấu-Điện ảnh TPHCM là nhờ cô “tự bỏ tiền túi” ra đầu tư dàn dựng. Cô tâm sự: “Những người trẻ như mình, sân khấu nào dám cho dàn dựng vở diễn? Chẳng lẽ học xong không làm nghề, thôi đành gom góp tiền mình đầu tư vở diễn cho chính mình vậy”.

Thực tế cho thấy, việc hình thành đội ngũ viết kịch bản sân khấu đang theo xu hướng tự phát. Ngay như Nguyễn Thu Phương – một tác giả nữ có khá nhiều vở diễn được dàn dựng trên các sân khấu từ Nam chí Bắc - cũng thừa nhận: “Chúng tôi rất muốn tìm trường đào tạo viết kịch bản sân khấu để học, nhưng đâu có nơi nào dạy. Bởi vì nếu được đào tạo căn bản thì khả năng viết lách sẽ tốt hơn…”.

Về vấn đề đào tạo tác giả sân khấu, nhà giáo ưu tú Hà Quang Văn cho biết: “Cả phía Nam chưa có trường nào mở lớp đào tạo tác giả cả. Nhưng điều tôi lo lắng nhất là nếu mở lớp rồi thì tìm thầy dạy viết kịch bản ở đâu?”.

Được biết, để tạo cơ hội cho các bạn trẻ theo nghề sân khấu có thể “giới thiệu được mình” với các đơn vị nghệ thuật và công chúng, sắp tới, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ phối hợp cùng Trường Cao đẳng Sân khấu-Điện ảnh TPHCM thành lập Nhà hát Thế giới trẻ tại số 125 Cống Quỳnh, quận 1 TPHCM do NSƯT Trần Ngọc Giàu làm giám đốc. Đó cũng là một tín hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, nếu chúng ta không có một chiến lược phát triển đội ngũ tác giả và đạo diễn cho sân khấu thì e rằng tác giả, đạo diễn sân khấu cứ thiếu vẫn thiếu mà thừa vẫn thừa...  

Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn – Giám đốc Sân khấu Kịch IDECAF:

Đúng là khi đầu tư vở diễn, chúng tôi hoàn toàn không dám mạo hiểm, phiêu lưu với những đạo diễn trẻ. Một vở diễn khi được dàn dựng sẽ liên quan đến rất nhiều người, nếu có tuổi thọ ngắn sẽ rất nguy hiểm. Tôi nghĩ, chính các trường đào tạo nên có một sân khấu để các bạn trẻ có điều kiện dàn dựng vở diễn. Khi đó, chúng tôi sẽ đi xem, nếu thấy đạo diễn trẻ nào có khả năng, sẽ đầu tư kinh phí cho bạn đó dàn dựng vở diễn trên sân khấu của chúng tôi.

Nhờ xem các vở diễn tốt nghiệp ở Trường Cao đẳng Sân khấu-Điện ảnh TPHCM hay Trường Văn hóa Nghệ thuật TPHCM, chúng tôi đã phát hiện nhiều đạo diễn trẻ, có tiềm năng như Hữu Lộc, Hùng Lâm… Hiện nay, IDECAF đang thực hiện theo hướng tác giả có ý tưởng, anh em diễn viên và đạo diễn cùng góp ý, từ đó viết thành kịch bản.

Khi tác giả, đạo diễn nào được chọn kịch bản, dàn dựng vở diễn ở IDECAF bao giờ chúng tôi cũng gắn trách nhiệm của họ với mình, có nghĩa là tác giả, đạo diễn không được nhận một khoản tiền trọn gói mà được lãnh theo từng suất hát. Điều này bắt buộc tác giả, đạo diễn phải chăm chút tác phẩm của mình nhiều hơn!

NSƯT Hồng Vân – Giám đốc điều hành Sân khấu Kịch Phú Nhuận:

Cách đây 4 năm, Sân khấu Kịch Phú Nhuận ra đời chỉ có vài ba diễn viên. Muốn tồn tại, chúng tôi phải xây dựng dàn diễn viên trẻ. Cho đến nay, bên cạnh các diễn viên giàu kinh nghiệm như NSND Diệp Lang, NSƯT Bảo Quốc, Phú Quý, Hồng Tơ, chúng tôi đã có đội ngũ trẻ kế thừa: Cát Phượng, Thanh Thúy, Vân Anh, Thái Hòa, Kim Huyền, Thúy Nga, Anh Vũ, Hòa Hiệp, Thanh Vân, Lý Thanh Thảo, Lê Hay, Văn Ruy…

Từ kinh nghiệm đó, Sân khấu Kịch Phú Nhuận cũng đang đầu tư, tạo cơ hội cho một số đạo diễn trẻ dàn dựng như Đức Thịnh, Minh Béo và sắp tới là Lê Hay, Thái Hòa… Còn đội ngũ tác giả trẻ thì chỉ khi nào có kịch bản của các bạn gởi đến mình đọc thấy hay mới chọn đầu tư dàn dựng.

Tác giả Nguyễn Thu Phương:

Trước đây, các tác giả có thể sống được với nghề viết kịch bản của mình, nhưng tình hình hiện nay thì ngược lại. Khi viết một kịch bản ra, bao giờ tác giả cũng đầu tư tâm huyết, công sức và chú trọng đến những vấn đề thời sự nóng bỏng mà khán giả quan tâm.

Nhưng khi gởi kịch bản đến một số sân khấu thì bị “ngâm” một thời gian và… bị trả lại. Lúc ấy, chỉ có bỏ kịch bản vì nó mất tính thời sự, không còn phù hợp. Nhiều lần như thế tác giả mất hết hứng thú viết kịch bản.

NHÓM PV VHVN

Tin cùng chuyên mục