Tiếp sau vụ một cháu bé 18 tháng tuổi bị một người giữ trẻ ở phường Linh Trung quận Thủ Đức TPHCM hành hạ, đạp chết ngày 16-11, lại vừa có thêm một cháu bé 13 tháng tuổi bị chết tại nơi giữ trẻ tự phát ở phường 6 quận 8 TPHCM ngày 1-12. Những cái chết thương tâm này đang khiến hàng chục ngàn gia đình công nhân lao động lo lắng. Tại TPHCM, đang có tình trạng thiếu nhà trẻ công lập cho con công nhân.
Chỉ mới có 1
Dự án xây 4 nhà trẻ cho con công nhân làm việc ở các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX) đã được TP phê duyệt từ hơn 2 năm trước. Thế nhưng đến nay chỉ mới có Trường Mầm non Đồng Xanh cho con công nhân ở KCN Hiệp Phước, đưa vào hoạt động từ tháng 8-2012. Nơi này chỉ tiếp nhận được khoảng 150 trẻ, mới đáp ứng được 1/3 số con trong độ tuổi của công nhân tại KCN này.
Ông Hồ Xuân Lâm, Chánh văn phòng Ban quản lý các KCN-KCX TPHCM (Hepza), cho biết: “Hepza đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện để thúc đẩy tiến độ xây dựng các nhà trẻ dành cho con công nhân đang làm việc tại các KCN-KCX. Thế nhưng ngoài trường mầm non tại KCN Hiệp Phước đã đưa vào sử dụng, còn lại trường mầm non ở KCX Tân Thuận tuy đã lập xong dự án nhưng còn chờ thẩm định lại của Sở Xây dựng TP (nếu đúng tiến độ thì có thể đưa vào hoạt động trong năm học 2014 - 2015), 2 trường mầm non ở KCX Linh Trung và KCN Vĩnh Lộc thì Hepza cùng với Công ty Phát triển hạ tầng đã lập xong dự án, nhưng vẫn đang chờ quận, huyện cùng tiến hành xây dựng.
Dẫn chúng tôi tới một bãi cỏ mọc um tùm trong KCX Tân Thuận (quận 7), anh Hào Văn Hải, làm trong KCX này, cho biết: “Đây là vị trí dành xây dựng nhà trẻ cho con công nhân KCX Tân Thuận. Lúc nghe tin sắp có nhà trẻ thì con đầu của chúng tôi gần 4 tuổi, cháu sắp vào lớp một, vợ tôi sắp sinh thêm cháu nữa, mà vẫn chưa thấy nhà trẻ đâu”.
May mắn hơn anh Hải, anh Phạm Minh Quân, công nhân Công ty Pou Yuen (quận Bình Tân) cho biết: “Nhờ công ty có xây dựng Trường Mầm non Mặt Trời Nhỏ dành cho con công nhân, nên vợ chồng tôi có thể an tâm đi làm. Tiền phí gửi trẻ chỉ 700.000 đồng/tháng, rẻ chỉ bằng một nửa so với tiền gửi người giữ trẻ. Nếu chúng tôi tăng ca ngoài giờ, vẫn có thể nhờ các cô giữ thêm vài tiếng, nên thật thuận tiện”.
Được biết, Trường Mầm non Mặt Trời Nhỏ có diện tích 5.000m² với 22 phòng học, cùng các phòng chức năng, tiếp nhận được khoảng 750 trẻ. Đây là một mô hình nhà giữ trẻ do doanh nghiệp tự đầu tư, thiết thực chăm lo phúc lợi cho công nhân.
Chiều muộn, chúng tôi đến thăm Trường Mầm non Đồng Xanh ở KCN Hiệp Phước. Dù đã gần 18 giờ, nhưng các cô giáo vẫn còn nán lại vài tiếng để chờ một số phụ huynh đến đón con muộn. Cô Đoàn Thị Kim Nguyên chia sẻ: “Hầu như ngày nào cũng có cháu phải về muộn, do phụ huynh là công nhân thường phải làm tăng ca. Tuy phải đi sớm về muộn, nhưng chia sẻ được ít nhiều vất vả với công nhân, chúng tôi cũng thấy vui”.
Giao con... mà lo
Như vậy, tại TPHCM hiện chỉ có một số ít công nhân ở KCN Hiệp Phước và công nhân Công ty Pou Yuen có thể an tâm gửi con tại trường mầm non dành cho con công nhân. Hầu hết các gia đình công nhân lao động khác đành phải gửi con ở những người giữ trẻ nghiệp dư dù rất lo lắng.
Theo khảo sát của chúng tôi, tại các khu nhà trọ gần KCN-KCX thường có nhiều điểm giữ trẻ theo kiểu gia đình. Phí gửi trẻ tại đây rẻ hơn các nhà trẻ tư thục, tương đương nhà trẻ công lập nhưng người giữ trẻ chỉ làm nghiệp dư, nhận giữ khoảng 4 đến 7 trẻ.
Tại khu phòng trọ trên đường Bình Chiểu (khu phố 1, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, gần KCX Linh Trung), chị Lê Thị Hà (quê Quảng Bình) đang chăm sóc 4 trẻ nhỏ, chia sẻ: “Con tôi là cháu nhỏ nhất đang còn nằm trong nôi, mới 8 tháng tuổi. Còn các bé kia là con của các hộ hàng xóm. Thấy tôi ở nhà trông cháu nhỏ không có thu nhập, nên mọi người gửi con cho tôi giữ, vừa an tâm hơn gửi con cho các điểm giữ trẻ tự phát, vừa giúp tôi có chút thu nhập”.
Chúng tôi gặp ông Võ Văn Tái (quê Nghệ An) đang bồng cháu đi dạo mát trong khu dân cư phường Linh Trung, ông tâm sự: “Vợ chồng con tôi làm trong KCX Linh Trung. Cháu nội còn bé, gửi người giữ trẻ thì không an tâm, nên ông bà phải vào đây trông cháu”. Nhiều vợ chồng công nhân chọn cách gửi con nhỏ về quê nhờ gia đình nuôi, nhưng cũng được vài tháng nhớ con nên đón vào, lại phải bấm bụng gửi con tại các điểm giữ trẻ.
Quận Thủ Đức là địa bàn có rất đông công nhân, do vậy việc quản lý các điểm giữ trẻ tự phát là một việc quan trọng để ổn định đời sống công nhân. Ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, thừa nhận đây là việc khó khăn: “UBND quận luôn quan tâm nhắc nhở, chỉ đạo các phường phải quản lý chặt những điểm giữ trẻ. Hiện nay, UBND quận đang vận động thực hiện xã hội hóa việc tổ chức giữ trẻ cho các gia đình công nhân, nhằm đảm bảo chăm sóc trẻ tốt”.
THANH HẢI