Thời cơ của thị trường chứng khoán

Trong điều kiện các yếu tố hội tụ: lãi suất thấp, kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết khởi sắc... thị trường chứng khoán (TTCK) được kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút được dòng vốn lớn trong thời gian tới.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao, Công ty chứng khoán KIS Việt Nam cùng đối tác nghiên cứu diễn biến thị trường chứng khoán. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao, Công ty chứng khoán KIS Việt Nam cùng đối tác nghiên cứu diễn biến thị trường chứng khoán. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhiều phiên giao dịch vượt tỷ USD

Hai tháng đầu năm 2024, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm giảm xuống mức thấp nhất, VN-Index đã tăng hơn 130 điểm (12%) nhờ một lượng lớn tiền nhàn rỗi quay lại TTCK. Cụ thể, trong tháng 2-2024, giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn (HOSE, HNX và UpCOM) đạt 21.301 tỷ đồng/phiên, tăng 26,2% so tháng trước. Trong đó, riêng sàn HOSE có phiên giao dịch giá trị lên đến 32.000 tỷ đồng (phiên ngày 23-2) và nhiều phiên giao dịch ghi nhận thanh khoản trên 1 tỷ USD. Giá trị vốn hóa của HOSE cũng tăng thêm khoảng 550.000 tỷ đồng (23 tỷ USD) trong 2 tháng đầu năm, đạt xấp xỉ 5 triệu tỷ đồng.

Đà tăng của TTCK nhờ tình hình kinh doanh khởi sắc của các doanh nghiệp niêm yết. Thống kê từ các công ty chứng khoán cho thấy, lợi nhuận ròng quý 4-2023 của gần 1.200 doanh nghiệp (chiếm 96% vốn hóa thị trường) ước tính tăng 30% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, lợi nhuận ròng quý 4-2023 của nhóm ngân hàng tăng 22,5% so với cùng kỳ, cũng là nhóm cổ phiếu đóng vai trò dẫn dắt chủ đạo trên TTCK thời gian qua. Bên cạnh đó, ngành bất động sản cũng không còn quá tiêu cực. Lợi nhuận ròng trong quý 4-2023 của ngành này mặc dù sụt giảm 19,6% so với cùng kỳ năm trước và giảm 24% so với quý trước, nhưng sự sụt giảm chủ yếu đến từ Vinhomes (VHM). Nếu loại VHM ra khỏi rổ thống kê, lợi nhuận ròng ngành bất động sản tăng trưởng khoảng 132% so với quý 4-2022. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, tăng trưởng lợi nhuận sẽ giúp cổ phiếu tăng vượt trội trong năm 2024.

Ngoài ra, lãi suất thấp kỷ lục sẽ là động lực tăng trưởng chính cho TTCK, đặc biệt đối với nhà đầu tư cá nhân. “Tiền gửi tại ngân hàng vẫn đang tiếp tục tăng do các kênh đầu tư khác khá hạn chế. Vàng đã tăng đáng kể, trong khi bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cần nhiều thời gian để hồi phục nên dòng vốn này có thể quay lại TTCK trong năm 2024. Do nhà đầu tư cá nhân chiếm hơn 90% khối lượng giao dịch trung bình ngày toàn thị trường trong năm 2023 nên chúng tôi dự đoán VN-Index sẽ có một số bước nhảy vọt trong năm 2024 nhờ dòng vốn này”, chuyên gia SSI nhận định. Thực tế cũng cho thấy, nhà đầu tư cá nhân tham gia vào TTCK ngày càng nhiều.

Số liệu từ Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam cho thấy, đến hết tháng 1-2024, số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt hơn 7,35 triệu, tăng hơn 125.000 tài khoản so với cuối năm 2023.

Kênh dẫn vốn hiệu quả

Phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2024 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam đặt mục tiêu vào năm 2025 trở thành thị trường mới nổi, góp phần thực hiện mục tiêu thu hút khoảng 25 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm, tương đương đầu tư trực tiếp. Thủ tướng cũng khẳng định, phát triển kinh tế thì không thể thiếu TTCK vì đây là kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế. TTCK có vai trò “hàn thử biểu” của nền kinh tế, là một kênh đầu tư linh hoạt, hấp dẫn của các tổ chức và cá nhân.

Liên quan đến dòng vốn đầu tư nước ngoài, mặc dù khối ngoại quay lại bán ròng 2.768,9 tỷ đồng trong tháng 2-2024 nhưng khối này cũng mua ròng 185 tỷ đồng trong tháng 1-2024, chấm dứt đà bán ròng 9 tháng liên tiếp trước đó (lũy kế cả năm 2023 bán ròng gần 22.600 tỷ đồng). Các quỹ đầu tư đánh giá, dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại TTCK Việt Nam năm 2024 theo sau động thái hạ dần lãi suất của Fed và cơ hội TTCK Việt Nam được nâng hạng trong 2024-2025. Theo báo cáo chiến lược năm 2024 của các công ty chứng khoán, một số ngành sẽ phục hồi đáng kể là: thép, bán lẻ và chứng khoán. Cạnh đó, ngành công nghệ thông tin và bất động sản khu công nghiệp cũng tích cực dựa trên tiềm năng tăng trưởng dài hạn.

Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Khối chứng khoán của Dragon Capital đánh giá, VN-Index đang ở chu kỳ hồi phục khi hội tụ các yếu tố như lãi suất thấp, kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng lợi nhuận bắt đầu phục hồi. Trong chu kỳ hồi phục này, những ngành có tỷ suất sinh lời cao là tiêu dùng không thiết yếu, bất động sản, tài chính ngân hàng. Nhà sáng lập và quản lý Quỹ ngoại Pyn Eltie Fund Petri Deryng cũng cho rằng, TTCK trong năm nay sáng hơn vì thị trường tiền tệ, thanh khoản ngân hàng ổn định và lãi suất đã điều tiết trở lại mức hấp dẫn. “Các doanh nghiệp niêm yết được kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận hơn 20% trong năm nay và chúng tôi đặt niềm tin vào nhóm ngành ngân hàng”, ông Petri Deryng cho hay.

Bà VŨ THỊ CHÂN PHƯƠNG, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước:

Quyết liệt triển khai các giải pháp nâng hạng

Năm 2024 sẽ là năm tạo dựng cơ sở cho sự phát triển TTCK trong trung và dài hạn. Ngành chứng khoán sẽ triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 và Công điện của Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy TTCK phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững. Bên cạnh đó, ngành chứng khoán cũng sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc để thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài, hướng tới nâng hạng TTCK; hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp thông qua triển khai công bố thông tin một đầu mối, cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác giám sát, thực thi pháp luật để đảm bảo vận hành thông suốt, an toàn. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở giao dịch chứng khoán, các cơ quan chức năng để tăng cường giám sát, tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử phạt các vi phạm.

Tin cùng chuyên mục