Thời của dầu ăn đã qua sử dụng

“Trước đây, chúng tôi coi dầu ăn đã qua sử dụng là chất thải. Vậy mà giờ lại có người muốn lấy, thật kỳ lạ”, ông Tsuboi chia sẻ.
Dầu ăn đã qua sử dụng được dùng để sản xuất SAF
Dầu ăn đã qua sử dụng được dùng để sản xuất SAF

Ông Tsuboi Yasuyuki, quản lý một nhà hàng ở Tokyo (Nhật Bản), cho biết trung bình, quán của ông tiêu thụ vài thùng dầu ăn 18 lít/tháng. Ông thường thuê một dịch vụ xử lý tới thu gom dầu ăn đã qua sử dụng. Nhưng gần đây, ông bắt đầu nhận được đề nghị từ các công ty muốn thu gom miễn phí, một số thậm chí còn sẵn sàng trả tiền.

“Trước đây, chúng tôi coi dầu ăn đã qua sử dụng là chất thải. Vậy mà giờ lại có người muốn lấy, thật kỳ lạ”, ông Tsuboi chia sẻ. Lý do của sự “kỳ lạ” trên là dầu ăn đã qua sử dụng có thể được dùng để sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Khoảng 1/3 trong số 400.000 tấn dầu ăn đã qua sử dụng thu gom ở Nhật Bản trong năm 2022 đã được chuyển thành nhiên liệu cho máy bay và các phương tiện khác.

Cũng trong năm ngoái, một loạt các công ty nổi tiếng của Nhật Bản đã thành lập Act For Sky, một tổ chức chuyên sản xuất và thúc đẩy SAF. Thành viên là các hãng hàng không lớn như All Nippon Airways và Japan Airlines cùng các công ty ngoài ngành hàng không như Itochu, Idemitsu Kosan và Mitsubishi Heavy Industries. Một trong các hoạt động chính của tổ chức trên là thu gom dầu ăn đã qua sử dụng. Act For Sky đã lập một danh sách các doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác, bao gồm cửa hàng đồ ăn nhanh, công ty sản xuất thực phẩm đông lạnh, chuỗi sushi và khách sạn.

3 thành viên của Act For Sky là JGC, Cosmo Oil và REVO International dẫn dắt nỗ lực của nhóm trong việc sản xuất SAF trong nước. Các công ty đang xây dựng một nhà máy ở TP Sakai, tỉnh Osaka, với mục tiêu sản xuất khoảng 30.000 tấn SAF trong 3 năm. Sản lượng không lớn, nhưng đây mới chỉ là nhà máy đầu tiên trong nhiều dự án tương tự, dự kiến được triển khai ở Nhật Bản.

Ông Nishimura Yuki, một lãnh đạo của JGC, cho biết việc thiết lập một nhà máy sản xuất nội địa là rất quan trọng để đảm bảo tính bền vững của toàn bộ dự án SAF. “Dầu ăn đã qua sử dụng hiện đang được chuyển ra nước ngoài, tái chế thành SAF rồi đưa lại về Nhật Bản. Tất nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu cũng thải ra khí CO2 và tốn chi phí. Nhật Bản cần có phương án khác phù hợp với lợi ích và mục tiêu trong việc phi carbon hóa”.

Ngoài Nhật Bản, một nhà máy lớn hiện đang được xây dựng ở Singapore với năng lực sản xuất 1 triệu tấn SAF mỗi năm, gấp khoảng 5 lần so với sản lượng toàn cầu hiện tại là 200.000 tấn. Công ty Neste của Phần Lan, nhà sản xuất SAF lớn nhất thế giới, tham gia dự án này. Lãnh đạo Neste, ông Sami Jauhiainen, cho biết nhà máy này là một phần trong các nỗ lực của công ty nhằm tăng trưởng ngành hàng không và thúc đẩy sử dụng SAF ở châu Á.

“Khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm gần 40% lượng tiêu thụ nhiên liệu hàng không toàn cầu, và con số này sẽ tiếp tục tăng trong những năm và thập niên tới. Với nhà máy sản xuất ở Singapore, chúng tôi sẽ có thể đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của khách hàng trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Jauhiainen nói.

Tháng 10-2022, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đặt mục tiêu cho các hãng hàng không trên thế giới: tới năm 2050, sẽ giảm lượng khí thải CO2 trên thực tế về 0. Theo tính toán, việc thay thế nhiên liệu máy bay thông thường bằng SAF sẽ giảm khoảng 80% lượng phát thải của toàn ngành. Nhu cầu về dầu ăn đã qua sử dụng gia tăng đẩy giá thành lên cao, dẫn tới quan ngại về việc thiếu nguồn cung. Một số nhà nghiên cứu cho rằng chất thải thực phẩm và gỗ có tiềm năng để dùng làm SAF.

Tin cùng chuyên mục