LTS: Được xem là thủ phủ công nghiệp của cả nước, vùng Đông Nam bộ duy trì vị thế dẫn đầu trong thu hút đầu tư kể từ khi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (tỉnh Đồng Nai) được thành lập vào năm 1963. Những năm gần đây, các địa phương trong vùng không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và cải cách thủ tục hành chính, nhằm thu hút thêm nhiều doanh nghiệp với số vốn hàng tỷ USD và công nghệ hiện đại. Những doanh nghiệp lớn này đóng vai trò như những “đại bàng” làm tổ, dẫn dắt và thu hút các doanh nghiệp khác, tạo nền tảng cho một kỷ nguyên phát triển mới của vùng.
Từ KCN đầu tiên đến KCN thứ 37
Khu Kỹ nghệ Biên Hòa (sau này là KCN Sonadezi hoặc Biên Hòa 1) tại 2 xã Tam Hiệp và Long Bình được xem là KCN ra đời sớm nhất Việt Nam (năm 1963) với 94 nhà máy, công ty trong và ngoài nước thuộc các lãnh vực cơ khí, hóa chất, nhựa, thủy tinh…

Từ tiền đề KCN Biên Hòa 1, năm 1994, tỉnh Đồng Nai thành lập KCN Long Bình (Amata) do Tập đoàn Amata Thái Lan (thông qua Công ty CP Đô thị Amata Biên Hòa) làm chủ đầu tư. KCN này hiện được Bộ Tài chính, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc lựa chọn là 1 trong số hơn 300 KCN tại Việt Nam tham gia vào dự án thí điểm xây dựng khung mô hình KCN sinh thái sử dụng kinh tế tuần hoàn để xây dựng quy chuẩn mới cho các KCN trong tương lai của Việt Nam.
Tính đến nay, Đồng Nai đã quy hoạch và triển khai 37 KCN với tổng diện tích 13.107,59ha; trong đó 31 KCN đang hoạt động, 1 KCN (KCN Công nghệ cao Long Thành) trong giai đoạn thu hồi đất, xây dựng hạ tầng và 5 KCN mới thành lập. Theo đồ án quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 3-7-2024, đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai có 48 KCN với tổng diện tích 18.443,00ha.
Trong những KCN hàng đầu tỉnh Đồng Nai, có thể kể KCN Long Đức, ra đời năm 2007, có tổng diện tích 282,80ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.083,36 tỷ đồng, là liên doanh giữa Tập đoàn Sojitz Nhật Bản và Công ty Donafoods của Đồng Nai. Với cơ sở hạ tầng tốt, KCN Long Đức hiện thu hút nhiều dự án thuộc ngành ưu tiên, nhất là doanh nghiệp Nhật Bản, với một số tập đoàn lớn như Lixil, Terumo, SMC, tạo hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và kỹ năng trên địa bàn Đồng Nai và cả nước.
Tạo chuyển biến về chất
Quá trình phát triển các KCN ở Đồng Nai thể hiện rõ dấu ấn của Tổng Công ty Sonadezi - một trong những doanh nghiệp nhà nước được giao đầu tư hạ tầng KCN. Tính đến nay, các KCN của Sonadezi đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) như Bosch, Aqua, Meggitt, Hans Vina, 3M, Meggitt, Kenda, Olympus, Atus, Tripod, Regza, BOE... với quy mô, công nghệ, ngành nghề đa dạng, từ cơ khí, điện tử đến công nghiệp phụ trợ.

Góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của Sonadezi chính là Công ty CP Sonadezi Long Bình (SZB), với thế mạnh về kinh doanh hạ tầng KCN. Từ năm 2009, SZB được giao quản lý, vận hành và khai thác các KCN Biên Hòa 2, Gò Dầu, Xuân Lộc. Đến nay, các KCN này cơ bản được lấp đầy, và các doanh nghiệp hoạt động ổn định. Để tăng dư địa phát triển, SZB đầu tư các cụm nhà xưởng tại KCN Thạnh Phú, Châu Đức và mở rộng quỹ đất tại các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng quỹ đất hơn 900ha, cùng khoảng 200 dự án đầu tư trong và ngoài nước.
Ngoài lĩnh vực kinh doanh hạ tầng nhà xưởng, kho bãi trong các KCN, SZB còn mở rộng hoạt động sang lĩnh vực cho thuê văn phòng với các dịch vụ, tiện ích được tích hợp tại tòa nhà Trung tâm Dịch vụ Sonadezi trong KCN Biên Hòa 2. Đây là một sản phẩm cộng thêm nhằm gia tăng giá trị, sự đa dạng trong hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ của công ty cung cấp cho khách hàng. Mặt khác, SZB còn kinh doanh, cung cấp nước sạch cho KCN Biên Hòa 2 và Gò Dầu với hệ thống cấp nước được đầu tư hoàn thiện cùng nguồn nước cấp đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, từ các công ty cấp nước Đồng Nai, Phú Mỹ và Hồ Cầu Mới.
Trong vài năm gần đây, bất động sản dân dụng cũng là lĩnh vực được Tổng Công ty Sonadezi và SZB quan tâm đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu an cư của người lao động đang làm việc trong các KCN và người dân địa phương như dự án khu dân cư Trảng Bom (có 330 sản phẩm nhà và đất nền, diện tích 100-300m2). Bên cạnh đó, SZB đẩy mạnh hợp tác kinh doanh kho nội địa và ngoại quan, như hợp tác với Công ty CP ICD Tân Cảng Long Bình thực hiện dự án đầu tư, xây dựng kho tại khu đất ICD Tân Cảng Long Bình (đến năm 2024 đã khai thác 100% diện tích kho bãi với quy mô hơn 6,3ha).
Nhằm thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, hàm lượng công nghệ cao đầu tư vào các KCN theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị, ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sonadezi, thông tin: Hệ thống 12 KCN của Sonadezi tại các tỉnh Đông Nam bộ và Nam Trung bộ đang đẩy mạnh thu hút dự án công nghệ cao, công nghiệp sạch, dự án sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và góp phần nâng cấp chuỗi giá trị.
Trong bối cảnh thương mại thế giới và định hướng đầu tư có nhiều thay đổi lớn do tác động của chính sách thuế quan, Tổng Công ty Sonadezi sẽ chọn lọc các dự án phù hợp, chú trọng thu hút các doanh nghiệp hướng đến thị trường xuất khẩu đa dạng và có chuỗi cung ứng an toàn, minh bạch. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp FDI tích cực hợp tác sản xuất - kinh doanh với đối tác Việt Nam, chuyển giao công nghệ để giúp doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu.
Hiện nay, Sonadezi đang nghiên cứu, đề xuất và đầu tư một số dự án KCN, cụm công nghiệp mới tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận và Khánh Hòa với tổng diện tích dự kiến hơn 2.300ha. Cùng với đó, Sonadezi triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại nhiều tỉnh, nâng cao năng lực, công suất của hệ thống cảng Đồng Nai, dịch vụ môi trường, mở rộng mạng lưới cấp nước, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.
Trong thời gian tới, Sonadezi sẽ phát triển quỹ đất công nghiệp, nhà xưởng cho thuê tại các địa điểm có lợi thế lớn về kết nối cao tốc, sân bay quốc tế, cảng biển và có nguồn nhân lực dồi dào, trình độ cao; đẩy mạnh chuyển đổi số để khai thác dữ liệu lớn hiệu quả, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất kinh doanh và vận hành… với mục tiêu phát triển hệ sinh thái công nghiệp - dịch vụ chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của dòng vốn FDI thế hệ mới.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã xác định đến năm 2050, địa phương sẽ trở thành một trong các cực tăng trưởng quan trọng của cả nước, đi đầu trong phát triển công nghiệp tạo giá trị cao, đầu mối giao thương quốc tế và đô thị đẳng cấp, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm. Tỉnh sẽ tập trung phát triển các dự án sử dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển theo quy định của Chính phủ; phát triển công nghiệp hỗ trợ; sản xuất vật liệu mới, các dự án tiết kiệm năng lượng, các dự án thân thiện với môi trường; đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất phần cứng, phần mềm.